- Cái gì? Thay đổi trật tự bảng chữ cái?
- Đúng thế.
- Nhưng bác đang làm từ điển cơ mà?
- Từ điển có bắt buộc phải bắt đầu từ chữ A hay không? Và, từ điển
chỉ là chuyện nhỏ...
- Chắc bác muốn nói đến chuyện tranh cãi về chữ E trong sách "Tiếng
Việt" lớp 1 chứ gì? - Tôi cắt lời - Thú thật với bác, cháu ớn đến tận cổ
chuyện chữ E chữ A ấy rồi.
Tôi đứng phắt dậy xổ ra một tràng đầy phẫn uất:
- Các ông bà tham gia cuộc tranh cãi ấy hoàn toàn nhầm lẫn giữa trật
tự của bảng chữ cái với việc dạy chữ nào trước. Dạy chữ E, D hay X trước
thì có ảnh hưởng gì đến bảng chữ cái nào.
- Anh không hiểu ý tôi. Chính tôi cũng ớn đến cổ cuộc cãi vã đó. Tôi
muốn kiến nghị việc khác hẳn. Tôi muốn thay đổi trật tự bảng chữ cái. Nói
đúng hơn, tôi muốn có một bảng chữ cái dân chủ hơn.
Tôi hoàn toàn không hiểu ông ta nói gì.
- Thế này nhé, - Ông ta nói. - Nếu trong một đất nước mà anh làm vua
cứ làm vua mãi, anh đi cày cứ đi cày mãi, thì có thể gọi là dân chủ được
hay không?
- Xin lỗi, cháu không muốn nói chuyện chính trị.
- Không, đây không phải là chuyện chính trị. Đây là vấn đề dân chủ
của các con chữ.
- Lại còn vấn đề đó nữa.
- Chứ sao. Tại sao chúng ta cứ phải trói buộc sự vật vào một trật tự
nào đó? Tại sao...
- Thôi được rồi - Tôi tìm cớ hoãn binh. - Mời bác uống trà đã. Chuyện
đâu có đó.
Ông già vui vẻ đồng ý, hình như cũng định tìm cách nào đó giải thích
rõ hơn. Trong lúc chúng tôi uống trà, tôi hết nhìn ông lại nhìn cái thư viện
được sắp xếp ngăn nắp của mình.
- Thưa bác, bây giờ cháu xin hỏi. Nếu không sắp xếp theo trật tự ABC
thì cuốn từ điển Việt-Bồ-La bác định làm thế nào?