sáng. Gió sớm thổi mát rượi, lật vạt áo ông Trần lên. Tôi nhìn thấy chỗ tì
bầu hồ phía trên xương cạng hơi lõm xuống, đã chai sần. Tôi hỏi:
- Đêm qua, gặp tôi xong, ông vác hồ về sớm không?
- Chú này mê ngủ rồi. Đêm qua, ta mải kéo hồ, hơi sức đâu mà gặp
chú.
Tôi chẳng hiểu ra làm sao cả. Nhìn ông Trần rất bình thường, đi lại
nhanh nhẹn, lợi khẩu, tôi nghi ngờ cả bản thân tôi. Ông nhìn suốt lượt đám
nhà văn trẻ, bảo:
- Các chú đêm qua có mơ thấy gì không?
Điệu cười khẩy hơi đểu, cứ như ông ta đã biết hết mọi chuyện, đang đi
guốc trong bụng chúng tôi. Tôi đành thú thật, kể lại từ đầu đến cuối giấc
mơ đêm qua. Cả bọn đều ồ lên và đứa nào cũng nói mình có giấc mơ giống
hệt tôi. Ông Trần bảo như mắng:
- Ấy đấy, cuộc đời lại ra nông nỗi ấy đấy. Bất ngờ. Sinh động. Bí ẩn
lắm. Thế mà, buồn thay. Đám nhà văn trẻ các chú viết nhạt hoét, toàn
những điều sống sít. Làm thằng đàn ông phải có danh. Đã lao vào nghệ
thuật là phải hơn thua; nếu viết văn phải hay hơn những thằng khác; nếu
chơi đàn thì thằng khác phải thua mình. Để bọn đàn bà con gái đã một lần
đọc văn, một lần nghe đàn là không dứt được, đánh đổi cả cuộc đời theo
mình.
Tôi buồn cười, nhận ra điều triết lý điên khùng đang dạy dỗ đám
người hậu thế từ ông Trần.
- Vậy xin hỏi, ông đi dọc đường xuyên đảo kéo hồ là để quyến rũ con
đàn bà nào, để hơn thua thằng đàn ông nào?
Ông Trần thở dài hàm chứa sự bí ẩn không lời.
- Có đàn bà đã khốn nạn rồi, không có, còn chó má hơn...
Ông Trần đánh trống lảng, kể câu chuyện liên quan đến giấc mơ đêm
qua.
- Các chú không biết chứ cái vụng biển này là vụng Đàn Bà, đồi kia là
đồi Con Gái, bãi cát đây là bãi cát Khoả Trần. Cái tên Đàn Bà, Con Gái,
Khoả Trần có từ bao giờ chẳng rõ, khi ông nội ta chim bé hin hin như quả
ớt chỉ thiên đã thấy dân đảo gọi thế rồi. Ơ này, cười cái đếch gì. - Ông Trần