ĐỘC HUYỀN
Nguyễn Đình Bổn
V
en bờ một dòng sông lớn thuộc ngoại ô thành phố nọ, có một xã cù
lao. Dân ở đây phần lớn sống bằng nghề chài lưới, giăng câu và một số
canh tác trên những khoảng đất hẹp. Về phía cuối cù lao dân cư thưa thớt,
chỉ có dăm bảy nóc nhà nhưng trong ấy có một gia đình khá nổi tiếng. Họ
không nổi tiếng về sự giàu có, dân cù lao chẳng mấy ai giàu, mà nổi tiếng
vì chủ gia đình vốn là một danh cầm từng theo đàn cho những gánh hát lớn.
Nhưng không biết vì sao người nghệ sĩ ấy bỏ gánh hát, ôm cây đàn độc
huyền trở về quê. Người thì đồn anh ta thất tình một cô đào thương vốn là
nhân tình của bầu gánh, kẻ lại bảo chỉ đơn giản vì chán làm cánh chim lang
bạt nên anh ta ôm đàn về quê cưới vợ. Không biết ai đúng, chỉ thấy anh ta
cưới vợ thật và sinh được một đứa con trai. Đêm đêm, khi xóm cù lao ngủ
sớm, những người làm nghề câu thường nghe vẳng tiếng độc huyền ai oán,
nhức nhối mà đầy ma lực từ phía căn nhà ấy vọng ra lan khắp trên mặt sông
như một lời nỉ non tiếc nuối về một thuở xa xôi.
Năm tháng dần trôi qua, đứa bé lớn lên như mọi đứa trẻ bình thường
khác nhưng lại được người cha mang dòng máu nghệ sỹ dạy đàn rất sớm.
Nhưng rồi đứa bé sớm mồ côi mẹ còn cha thì lâm vào cảnh nghiện ngập và
cũng mất đi khi nó tròn mười sáu tuổi. Không nghề nghiệp, gia sản chỉ là
một mảnh vườn nhỏ và cây đàn một dây, cậu bé đành về sống nương nhờ
bên ngoại. Nhưng ông bà ngoại thì quá già còn cậu mợ thì hắt hủi nên chỉ
được vài năm, cậu bé, giờ đã ra dáng thanh niên, đành trở về căn nhà xiêu
vẹo của mình, xin học nghề câu ở một ông lão tốt bụng và đêm đêm lại
đem đàn ra gảy những khúc bi ai.
Xóm làng đông đúc lên dần, chàng trai cũng trưởng thành nhanh
chóng. Rồi cái nòi tình lại xui chàng đem lòng yêu một cô gái duyên dáng,