MA MÈO
Vũ Ngọc Tiến
H
oàng hôn lịm tắt trên biển Trà Cổ. Rừng phi lao chuyển sang màu
đen thẫm reo vi vu như tiếng sáo trúc ngân dài trên bãi cát. Gió từ phía vịnh
Bái Tử Long theo các triền núi đá vôi ào ạt về biên ải. Từng đợt sóng xô
đẩy nhau vào bờ, liếm lên cát mịn. Hiếm thấy ở đâu trên đất nước có bãi cát
rộng dài, thoai thoải và mịn như ở Trà Cổ. Cả dáng hoàng hôn dần dần tắt
cũng chầm chậm, sắc màu biến đổi kỳ ảo hơn những bãi biển phía Nam,
mang vẻ rất riêng của vùng than Đông Bắc bởi màu tím thẫm có những vệt
đỏ, vàng đan cài trên bầu trời. Quán cà phê nhạc Kinh Hoa đã thưa khách,
chỉ còn lác đác mấy bàn ngồi ngoài sân hóng gió. Tôi và Chiến ngồi nhâm
nhi ly rượu Quế Châu – Trung Quốc với con mực khô, ngắm nhìn những
đốm sáng trên các bè mảng đánh cá lung linh di động trên mặt biển. Đêm
cuối tháng làm tôi chạnh nhớ tới câu thơ tài hoa của Nguyễn Bính: “Suốt
giời không một vì sao - Suốt giời mực ở nơi nào loãng ra - Lửa chài chăng
cái giăng hoa...” Thời mở cửa không còn ánh sáng lửa đò như trong thơ
Nguyễn Bính. Người dân chài vùng Đông Bắc bây giờ đi mảng trong đêm
bằng đèn nê ông chạy ắc quy nhập của Trung Quốc. Nhưng trời, đất, mặt
biển đêm nay vẫn thấm đậm hồn thơ thi nhân. Cái đẹp tự nó của mỹ học
Nuel Kant quả là đang chắp cánh vượt lên phơi phới trên biên giới của
không gian, thời gian...
Chợt từ rặng phi lao bước ra bãi biển một bóng trắng mờ ảo. Người
đàn bà mặc váy ngủ mỏng tanh màu trắng. Nàng xuất hiện như một bóng
ma vừa đi vừa hát: “Meo, meo, meo... chúng cháu yêu cô lắm!... Ngao,
ngao, ngao... em nhớ anh làm sao. Chúng ta yêu nhau xem nào...” Chiến
bảo tôi, đó là bà chủ khách sạn Bồng Lai ở Hà Nội lên Trà Cổ an dưỡng,
lấy thuốc chữa bệnh của một thầy lang bên kia biên giới. Người ta đồn