Tiếng động của chiếc ghe mỗi lúc một gần. Tiếng người nói chuyện thì
thầm. Ông già bật dậy, lao ra bờ sông:
- Ai?
***
Trăng lùi lũi chui vào cụm mây mù. Góc rừng tối sầm lại như vừa có
một cơn bão đen lướt qua thật chậm chạp. Bếp lửa chỉ còn những vụn than
hồng. Ông già không nhóm thêm để lắng nghe người khách lạ kể chuyện.
Cả ba ngồi quanh bếp than. Vụn than nổ lép bép, vụt sáng bừng, rọi lấp
lánh lên mớ râu muối tiêu phất phơ dưới cằm của người khách lạ. Ông nâng
chén rượu của bạn rừng mới, uống một hớp:
- Tôi và chiếc ghe này đi lang bạt giang hồ. Rất nhiều khu rừng
phương Nam đã có dấu chân tôi. Tôi là dân ăn ong các bác à. Các bác có
nghe chớ? - Ông Trì Gầm và người thợ rừng nói lắp im lặng gật đầu. -
Nghề này không đụng chạm tới ai. Ong của rừng. Chỉ tội là phải lặn lội vất
vả. Nhiều khi dân rừng không hiểu, hay nghi ngờ, làm khó dễ. Ong nhiều
lắm. Ong là vị ngọt, là hương thơm của rừng. Mật không của riêng ai.
Ông Trì Gầm nhếch môi:
- Tui nghe người ta nói mật là của thần rừng.
Người khách lạ ngước mặt lên nhìn sâu vào thăm thẳm bóng đêm.
Trăng vàng quạch phía rừng già.
- Dà. Bác đã nghe nói đến thần rừng là bác biết nghề của chúng tôi rồi.
Nó như một lời nguyền truyền kiếp. Phải cúng tế, phải van vái. Nhiều dân
ăn ong bỏ qua tập tục này, không tin tưởng thì suốt mấy tháng liền không
kiếm được một giọt mật, rồi ốm đau liên miên, vốn liếng cạn sạch, thân sơ
thất sờ. Ghê gớm vậy đó bác.
Người thợ rừng nói lắp nãy giờ câm lặng như đêm, chợt lên tiếng:
- Màn nguyên ... mà cúng bằng gì?
Người khách chưa kịp hiểu câu nói của người thợ rừng. Lát sau, ông
mới nghĩ ra, nói vui vẻ:
- Có gì cúng nấy bác à. Cái cần là do lòng thành của mình, lời hứa của
mình. Khi thì heo quay, thủ vĩ luộc. Cũng có khi ...