- Cô thực sự quan tâm đến chuyện đó sao?
- Tôi đang hỏi anh đấy thôi.
- Không ai hiểu tại sao cô ấy lại mất giọng, cô ấy không bệnh tật gì cả.
Suy sụp vì trải qua nhiều đợt điều trị không có kết quả, cô ấy sống ẩn dật
trong căn hộ riêng. Bởi vì nhà hát Opéra là cả cuộc đời của cô ấy, và vì
thậm chí không còn tiền để bước vào đó với tư cách khán giả, cô ấy phải tới
đó xin làm một chân dẫn chỗ. Vẫn là những người xưa kia thường trả cả gia
tài để tới nghe cô ấy biểu diễn giờ lại boa tiền mỗi khi cô ấy dẫn họ tới chỗ
ngồi trong nhà hát. Một ngày nọ, một nhà phê bình âm nhạc tin rằng mình
đã nhận ra nữ danh ca sau khi nhìn kỹ khuôn mặt cô ấy.
- Vai hay đấy. Đầy hứa hẹn. Tiếp theo thế nào?
- Tôi còn chưa viết đoạn tiếp theo.
- Chuyện kết thúc có hậu chứ?
- Tôi làm sao biết được.
- Ra thế đấy, chúng ta nói rõ xem nào, kết thúc có hậu chứ gì!
- Cô thôi cái kiểu "Ra thế đấy" đi, tôi còn chưa quyết định kết thúc sẽ thế
nào mà.
- Anh đang thấy trong đời sống thực không đủ bi kịch, thấy mọi người bị
đè nặng bởi bất hạnh, lừa lọc, hèn nhát và nhỏ nhen chưa đủ, anh còn muốn
chất thêm vào gánh nặng đó sao? Làm mất thời gian của họ bằng cách kể
cho họ nghe những câu chuyện kết thúc không có hậu ư?
- Tiểu thuyết có nhiệm vụ gắn chặt với một hiện thực nào đó, chấp nhận
nguy cơ tỏ ra cảm tính.
- Nhưng người ta lại không coi họ ra gì, những người không thích những
câu chuyện kết thúc có hậu ấy, bảo rằng họ lội bì bõm trong thói bi quan
quá đà, như vậy họ đã khiến chúng ta toát mồ hôi kha khá rồi, hơn nữa
người ta sẽ không để họ nói lời cuối đâu.
- Đó cũng là một quan điểm.