Trong khu vườn của những chiến binh Bắc Mỹ
Hồi còn trẻ, Mary từng chứng kiến một đồng nghiệp tài giỏi và cá tính
mất việc vì dám bày tỏ những ý kiến làm mếch lòng ban giám hiệu trường
đại học. Cô có cùng quan điểm với người đàn ông này nhưng không ký vào
bản kiến nghị. Thì bản thân sự tồn tại của cô đã là một kiến nghị rồi – trong
vai trò là giáo viên, một người đàn bà, một nhà sử học.
Nhưng Mary cẩn thận theo dõi bản thân. Trước khi giảng bài, cô lên
giáo án chi tiết toàn bộ bài giảng, cô dùng những luận cứ và lời lẽ của người
khác – những tên tuổi đã được chấp nhận để cô không buột miệng nói điều
gì đó sai lệch. Những chính kiến riêng của mình, cô giữ lại cho bản thân và
khi thời gian qua đi, chúng cứ nhạt dần, nhạt dần mặc dù chúng không hoàn
toàn biến mất mà chỉ co lại thành những điểm xa vời, bất an, giống như
những cánh chim bay xa dần.
Khi khoa của cô biến thành một mớ bòng bong, Mary vẫn bình thản
làm việc và giả như không biết rằng mọi người trong khoa cô ghét nhau. Để
tránh tỏ ra là người tẻ nhạt, cô tự biến mình thành người độc đáo theo những
lối vô hại. Cô bắt đầu chơi bowling, và cố mê trò này; rồi lại thành lập một
chi hội tưởng niệm vua Richard Đệ Tam ở đại học Brandon. Cô thuộc lòng
những câu chuyện đùa và trò tấu hài trên sách và băng đĩa; người ta rền rĩ
khi nghe cô kể, nhưng cô không để điều đó cản trở mình; và sau một thời
gian thì những tiếng rền rĩ trở thành một phần của sự hài hước – người ta
cười để ghi nhận sự sẵn sàng phơi mình làm trò cười của Mary.
Thực tế là ở trường, không ai an toàn hơn Mary bởi vì cô đã biến mình
thành một cái gì đó hết sức mô phạm – tương tự như một thủ tục hay một
biểu tượng học đường; cô trở thành một phần của ý niệm về trường đại học.
Thỉnh thoảng, Mary tự hỏi liệu mình có cẩn trọng quá không. Những gì
cô viết và nói có vẻ quá tẻ nhạt; chúng xơ cứng như thể đã bị ai đó vắt hết
tinh chất. Và một lần, trong lúc nói chuyện với một giáo sư có tuổi, Mary
thấy bóng mình trên cửa sổ; cô thấy mình ngả người về phía ông ta; đầu cô