“Cái gì?” giáo sư Landsman nhìn cô như thể câu hỏi của cô hoàn toàn
ngu xuẩn hoặc, tệ hơn, một sự phản bội lại niềm tin giữa hai người.
“Những chuyện này xảy ra ở đâu?”. Theresa đã bị cuốn vào câu chuyện
mà giáo sư Landsman kể. Một phần, nó là thói quen mà cô hình thành từ
trong giảng đường đại học – cô đã quen với việc bị cuốn theo giọng của giáo
sư Landsman. Nhưng trong các bài giảng, giáo sư Landsman luôn sinh động,
thậm chí say sưa và luôn luôn cụ thể. Còn bây giờ bộ dạng của bà khác hẳn,
và cái vẻ trang trọng lạnh lùng này, cùng với việc bà không hề nhắc đến tên
ai, và việc câu chuyện không hề có một bối cảnh cụ thể nào – tất cả chúng
đưa Theresa vào một màn sương mù trừu tượng. Cô cảm thấy cái lạnh bên
ngoài như bắt nguồn từ sự bất an của cô. Cô cần phải biết mình đang ở đâu.
“Chuyện đó thì quan trọng gì?”, giáo sư Landsman nói. Bà mím môi.
“Praha
” bà thấp giọng.
Praha. Hiểu rồi. Theresa có đọc lịch sử; cô biết về Praha. Quảng trường
Wenceslas. Những chiếc xe tăng Nga tiến vào. “Praha”, cô nói. “Năm 1968
phải không?
” “Không”, giáo sư Landsman nói. “Sau đó. Mà cũng chẳng
quan trọng, lúc đó chuyện này xảy ra khắp nơi, không chỉ ở Praha. Tôi nói
rồi đấy, chuyện này chẳng có gì lạ. Ai cũng tin có kẻ thù ngay sau lưng hoặc
ở đâu đó – chúng đang khép chặt vòng vây. Thế nên người ta phải tìm ra kẻ
thù bằng mọi giá, và tiêu diệt chúng. Thế nên, gã đàn ông ấy. Lúc đầu, tôi
tưởng tôi có thể địch lại hắn trong trận chiến đó bằng cách dùng các dữ liệu
của tôi để chống lại các dữ kiện của hắn. Nhưng lúc nào hắn cũng làm tôi
ngạc nhiên. Không một người có suy nghĩ nào lại có thể nghĩ đến những thứ
mà với hắn thì rõ như ban ngày. Những giả thuyết của hắn mà hắn nhai đi
nhai lại hàng giờ liền trong cái phòng bé tí và kinh khủng đó luôn làm tôi
cứng họng – cứng họng theo nghĩa đen. Hắn làm cho tôi không mở được
miệng ra. Nhưng hắn không hạ gục tôi. Chính con mụ đàn bà mới làm điều
đó”.
“Tên mụ ta là gì?”