Thành Dĩnh (1)của nước Sở không giống như nước Tống: Đường phố
rộng rãi, nhà cửa cũng ngay ngắn, các cửa hàng lớn bày biện rất nhiều đồ
đạc, vải gai trắng tinh, quả ớt đỏ rực, da hươu sặc sỡ, hạt sen chắc đầy.
Người đi trên đường, tuy thấp bé hơn một chút so với người phương Bắc,
nhưng ai nấy đều tháo vát nhanh nhẹn, quần áo cũng rất tươm tất. So với
họ, Mặc Tử với bộ áo cũ rách nát, dùng vải bố bọc lấy đôi chân, nhìn không
khác gì một lão ăn mày chính hiệu.
Đi về phía trung tâm là một quảng trường rộng lớn, bố trí rất nhiều
gian hàng, người người chen chúc nhau, đây là thành thị đông vui, cũng là
nơi ngã tư giao lưu giữa các vùng. Mặc Tử tìm một ông lão trông có vẻ trí
thức, hỏi thăm nơi ở của Công Thâu Ban, đáng tiếc ngôn ngữ bất đồng nên
rối mù không hiểu, ông đang viết chữ lên bàn tay, định đưa cho lão xem
thử, chợt nghe thấy ầm ầm một trận, mọi người đều cùng nhau hát vang,
hóa ra là cô Trại Tương Linh nổi tiếng đã bắt đầu hát khúc “Hạ lý ba nhân”
(2), cho nên đã thu hút rất nhiều người trong nước đồng thanh phụ họa.
Chưa được một lúc, lão nhân sĩ kia cũng rên ư ứ trong miệng, Mặc Tử biết
lão nhất định chẳng thèm nhìn chữ viết trên lòng bàn tay của ông, mà ông
cũng mới viết ra chữ “Công” được một nửa, vậy là đành cất bước bỏ đi xa.
Song đâu đâu cũng ca hát, chẳng hỏi han ai được, rất lâu sau, dường như
bên đó đã hát xong, bầu không khí dần trở lại yên tĩnh. Ông bèn tìm tới một
tiệm thợ mộc, hỏi địa chỉ của Công Thâu Ban.
-----
(1)Dĩnh là kinh đô nước Sở, nay thuộc huyện Giang Lăng, tỉnh Hồ
Bắc của Trung Quốc.(2)
(2)Nhân vật này được hư cấu dựa theo têncủa nữ thần Tương Thủy là
Tương Linh. Theo truyền thuyết, Tương Linh rất giỏi gảy đàn sắt. Bài
“Viễn du” của Khuất Nguyên có câu: “Sử Tương Linh cổ sắt hề, Lệnh Hải
Nhược vũ Phùng Di (Để Tương Linh gảy sắt chừ, Khiến Hải Nhược (thần
Đông Hải) với Phùng Di (thần sông Hoàng Hà) nhảy múa)”.