khiến người người ly tán. Bởi vậy, nếu yêu thương lẫn nhau, cung kính lẫn
nhau thì đôi bên cùng được lợi. Bây giờ ông lấy câu để móc người, người
cũng lấy câu móc lại ông, ông dùng cự để gạt bỏ người, người cũng dùng
cự gạt bỏ ông, câu móc lẫn nhau rồi gạt bỏ lẫn nhau, đôi bên đều thiệt hại.
Cho nên nói: Câu cự nơi đạo nghĩa của tôi tốt hơn hẳn so với câu cự trong
thuyền chiến của ông”.
“Nhưng lão đồng hương này, ông hành nghĩa như vậy, cơ hồ lại gạt đổ
bát cơm của tôi đó!”, Công Thâu Ban đổi giọng nói, cứ như vừa bị dội
nước lạnh, nhưng dường như đã có vẻ ngà ngà say: Ông ta thực sự không
biết uống rượu.
“Nhưng so với gạt đổ bát cơm của tất cả người dân nước Tống thì vẫn
tốt hơn chứ”.
“Vậy thì về sau tôi chỉ còn nước chế tạo đồ chơi thôi. Lão đồng hương
này, ông đợi một chút, tôi cho ông xem một thứ trò vui”.
Ông ta nói xong liền bật dậy, chạy tới phòng sau, như đang lục lọi gì
đó. Chưa được một lúc thì ông đã bước ra, tay cầm một con chim khách
làm bằng gỗ với tre, đưa cho Mặc Tử và nói:
“Chỉ cần lên dây một cái là có thể bay được ba ngày. Thứ này có thể
nói là vô cùng khéo léo”.
“Nhưng cũng không bằng bánh xe của anh thợ mộc”, Mặc Tử nhìn
qua một cái, đặt xuống chiếu và nói. “Anh ta chỉ đẽo có ba tấc gỗ mà đủ
sức chuyên chở năm mươi thạch. Hễ làm lợi cho con người thì khéo léo và
tốt đẹp, còn không có lợi cho con người thì vụng về và xấu xa”.
“Ờ, tôi quên mất”, Công Thâu Ban lại bị dội nước lạnh lần nữa, hơi
tỉnh rượu một chút, “Lẽ ra phải biết trước là ông sẽ nói như vậy”.