lắm, bởi vậy mà ở cả hai phương diện tích cực lẫn tiêu cực, ông đều muốn
khôi phục lại lòng tự tôn đã bị thương tổn kia.
Trước hết là lao tâm nghĩ ra phương pháp, làm sao cho người khác
trông thấy cái mũi này ngắn hơn so với thực tế. Lúc không có người, ông
soi gương và sốt sắng suy tính ở mọi góc độ khác nhau. Không hiểu sao,
ông cảm thấy nếu chỉ đổi vị trí khuôn mặt thì chưa đủ, vậy là thường dùng
tay nâng má, hoặc lấy ngón tay giữ cằm, ông kiên nhẫn nhìn gương mãi
không thôi. Nhưng vị thầy tu chưa hề thấy cái mũi ngắn đi chút nào cho
thỏa mãn. Nhiều khi phiền muộn quá, ông còn thấy nó trông dài hơn nữa
kia. Ông bèn cất gương vào hòm, thở dài một hơi, lại miễn cưỡng tụng tiếp
cuốn “Quan Thế Âm kinh” ở trước mặt.
Nhưng vị thầy tu trước giờ vẫn để ý cái mũi của người khác. Ngôi
chùa ở Ikenoo vốn hay có già lam đến cúng dường và thuyết pháp. Tăng
phòng trong chùa san sát nhau, phòng tắm là nơi ngày ngày các sư hay nấu
nước, do vậy có rất nhiều hạng người ra vào, cả tăng lẫn tục. Vị thầy tu
càng kiên trì tìm hiểu khuôn mặt của những người này, bởi ông muốn tìm
cho ra một người nào đó có cái mũi giống ông, để được an ủi đôi chút. Hết
thảy lụa là đen hay áo chiếc trắng đều không lọt vào mắt ông, huống hồ mũ
màu cam và tăng bào nhợt nhạt thì đã quá quen thuộc rồi, chẳng đáng để
nhìn. Vị thầy tu không nhìn người, chỉ nhìn cái mũi thôi. Tuy cũng có kiểu
mũi phồng như đốt tre, nhưng ông không tìm thấy kiểu mũi nào giống mình
cả. Càng khó tìm thì tâm tư ông lại càng thêm buồn bã. Khi trò chuyện với
người ta, vị thầy tu bất giác lại đưa tay kéo mũi, vậy rồi lập tức mặt ông đỏ
bừng lên một cách chẳng hợp với tuổi tác, và đó chính là duyên cớ mang
đến những nỗi niềm không vui.
Cuối cùng, ông giở hết nội điển lẫn ngoại điển, cố tìm cho ra một nhân
vật có cái mũi giống mình, hòng khuây khỏa đi phần nào. Nhưng dù là kinh
sách gì đi chăng nữa, cũng đều không thấy nói Mục Kiền Liên và Xá Lợi
Phất (1)có cái mũi dài. Long Thụ và Mã Minh (2)thì tất nhiên chỉ có cái