Nhưng trong ngày hôm đó, ông vẫn thấy bất an vì e sợ cái mũi lại dài
ra như trước kia. Cho nên bất kể khi tụng kinh hay là lúc ăn cơm, hễ rãnh
rỗi thì ông đưa tay nhẹ nhàng xoa lên mũi. Cái mũi vẫn ngoan ngoãn ở trên
môi, không hề có chút biến động. Sau khi ngủ qua một đêm dài, sáng hôm
sau vừa mở mắt, ông lại sờ cái mũi trước tiên, nó vẫn ngắn y như vậy. Thế
là vị thầy tu cảm thấy tâm hồn thật thanh thản khoan khoái, tựa hồ như tích
được công đức sau khi đã bỏ ra bao năm tháng biên chép “Pháp Hoa kinh”.
Nhưng qua hết ba ngày thì ông lại phát hiện một sự thật ngoài ý muốn,
các samurai thỉnh thoảng đến thăm chùa Ikenoo đều lộ vẻ muốn bật cười,
họ không nói gì mà chỉ chăm chăm nhìn cái mũi của ông. Không dừng lại ở
đó, đứa bé từng để cái mũi ông rơi xuống cháo hồi trước, hễ gặp ông bên
ngoài phòng thuyết giảng thì lại cúi mặt nhịn cười, nhưng cuối cùng không
kìm được, chợt cười to thành tiếng. Và cả các pháp sư học việc cấp dưới
nữa, lúc vào phòng nhìn mặt nhau thì họ cung kính lắng nghe, nhưng khi vị
thầy tu vừa quay lưng thì họ cứ cười khúc khích, đâu phải chỉ vậy một hai
lần.
Lúc đầu, vị thầy tu đưa ra một cách giải thích, ông cho rằng bởi khuôn
mặt mình đã thay đổi rồi. Song chỉ giải thích vậy thôi thì dường như không
đủ. Nguyên nhân bọn trẻ và các pháp sư cười thì đúng là thế, không phải
nói làm gì. Nhưng đâu giống cái kiểu họ cười lúc mũi ông còn dài như
trước kia. Nếu nói cái mũi ngắn nhìn không quen nên mắc cười thì cũng
phải. Hay có lẽ còn duyên cớ nào khác nữa chăng?
“Trước đây họ đâu chỉ cười thế này…”.
Ông liền ngưng tụng kinh, nghiêng cái đầu hói và thường lẩm bẩm.
Những lúc như thế, vị thầy tu đáng mến lại buồn phiền lơ đãng nhìn bức
tranh Đức Phổ Hiền treo bên cạnh, nhớ lại những chuyện khi cái mũi vẫn
còn dài hồi năm ba bữa trước đây. “Kim như linh lạc giả, khước ức vinh
hoa thời” (Nay một thân suy bại, chợt nhớ buổi huy hoàng), điều đó càng