khiến ông thêm thẫn thờ ủ rũ. Đối với vấn đề này mà muốn giải thích cho
tường tận thì tiếc thay là ông không đủ sức.
Trong lòng dạ con người có hai thứ tình cảm mâu thuẫn nhau. Không
phải không có sự cảm thông cho bất hạnh của người khác, nhưng khi người
kia bằng cách nào đó đã thoát khỏi bất hạnh rồi, thế là không hiểu sao lại
cảm giác không được vừa ý. Nói quá lên một chút, thậm chí còn muốn nhìn
thấy người đóbị rơi vào bất hạnh tương tự thêm lần nữa. Thế là trong sự
tiêu cực vô tri vô giác ấy, bỗng trở nên thù ghét người ta. Tuy vị thầy tu
không hiểu được lý do, nhưng lúc nào ông cũng thấy hơi khó chịu, nguyên
nhân là bởi thái độ bàng quan và ích kỷ của đám tăng tục trong cái xứ
Ikenoo này.
Thế rồi vị thầy tu dần trở nên xấu tính. Ai cũng vậy, nói tới câu thứ hai
là đã bị ông la rầy. Sau đó, ngay cả anh đệ tử chữa trị cho ông cũng nói sau
lưng rằng: “Tu hành mà sân si kiểu ấy thì tội lỗi quá”. Thông thường thì cái
trò đùa dai của thằng bé vẫn khiến ông tức giận hơn cả. Một hôm, nghe
tiếng chó sủa văng vẳng, ông tiện thể ra xem thử, chỉ thấy nó đang vung
miếng gỗ dài hai thước, chạy đuổi đánh một con chó lông xù ốm nhom. Nó
không chỉ rượt đuổi mà còn vừa đuổi vừa hét lớn: “Đừng để tao đánh trúng
mũi mày, này, đừng có để bị đánh trúng mũi”. Ông giật lấy miếng gỗ từ tay
thằng bé, tát thẳng vào mặt nó. Đây chính là miếng gỗ trước kia dùng vén
mũi cho ông.
Vị thầy tu thấy hối hận rất nhiều về việc thu ngắn cái mũi.
Có một đêm, mặt trời vừa xuống núi thì bỗng nhiên nổi gió, mấy chiếc
chuông treo trên tháp vang lên tiếng leng keng, khiến người ta nhức cả đầu.
Đã vậy còn rất lạnh, vị thầy tu đã cao tuổi nên càng muốn ngủ lại càng ngủ
không yên. Lúc trằn trọc trên giường, ông chợt thấy ngứa cái mũi. Dùng tay
sờ thử thì hình như có chỗ sưng thũng, hơn nữa còn thấy nó phát nhiệt.