“Ái chà! Đó là gà sao? Tôi lại tưởng là một con chim ban cưu”, chàng
nói trong sự hoảng hốt.
“Ngươi mù hả? Nhìn ngươi chỉ khoảng bốn mươi mấy tuổi thôi mà”.
“Phải đó, thưa cụ. Năm ngoái tôi đã bốn mươi lăm”. (1)
-----
(1)Từ chỗ này trở xuống, có nhiều câu văn liên hệ đến sự việc Cao
Trường Hồng đang phỉ báng Lỗ Tấn lúc bấy giờ.
Cao Trường Hồng (1898 - 1954), tên thật là Ngưỡng Dũ, người huyện
Vu tỉnh Sơn Tây, là một nhà văn trẻ chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hư vô và
chủ nghĩa vô chính phủ đương thời. Tháng 12 năm 1924, y quen biết với
Lỗ Tấn và đã được Lỗ Tấn chỉ dẫn, giúp đỡ rất nhiều. Khi Lỗ Tấn biên tập
tuần san “Mãng nguyên” vào năm 1925 thì y cũng là người viết bài cho tạp
chí này. Nhưng đến nửa cuối năm 1926, y viện cớ người biên tập bán
nguyệt san “Mãng nguyên” (lúc đó Lỗ Tấn đã rời Bắc Kinh đến Đại học Hạ
Môn làm giảng viên, từ năm 1926 tờ “Mãng nguyên” đổi thành bán nguyệt
san) là Vi Tố Viên không đăng bài của Hướng Bồi Lương, nhân đó bôi nhọ
thanh danh ông, đồng thời tỏ thái độ bất mãn với Lỗ Tấn. Nhưng mặt khác,
y lại lợi dụng tên tuổi của Lỗ Tấn để rêu rao lừa gạt mọi người. Như vào
tháng 8 năm đó, y đăng quảng cáo trên nguyệt san “Tân phụ nữ” của Cuồng
tiêu xã (đoàn thể văn nghệ do y và Hướng Bồi Lương tổ chức ra), khoe
rằng đã từng cùng Lỗ Tấn hợp tác thành lập báo “Mãng nguyên”, đã vậy
còn nói ngầm với độc giả rằng Lỗ Tấn cũng có tham gia “Phong trào
Cuồng tiêu” của họ nữa.
Khi Lỗ Tấn vạch trần trò lừa đảo này thì lập tức bị Cao Trường Hồng
công kích và phỉ báng. “Lên trăng” được viết vào thời gian đó, nên nhân
vật Phùng Mông trong truyện mang bóng dáng của Cao Trường Hồng.
Nhiều câu thoại được trích dẫn và cải biên từ tác phẩm của y.