“Mẹ ơi, xem kìa, con rùa to quá!”, lũ trẻ vừa trông thấy thì reo lên rồi
chạy tới đứng quanh xe.
“Mấy thằng quỷ, mau xéo đi! Đây là bảo bối của Vạn tuế gia đó, coi
chừng bị chém như chơi!”.
Song tin tức có liên quan đến Vũ thì cũng nhiều lên cùng với lượng
sản vật quý hiếm được đưa tới kinh thành. Trước mái hiên nhà dân, dưới
gốc cây ven đường, người người đều kể nhau nghe các sự tích về ông, nhất
là chuyện ông biến thành gấu vàng giữa đêm khuya, dùng mõm và móng
vuốt đẩy từng hồi, khơi thông hết chín sông như thế nào, cho đến việc ông
mời được thiên binh thiên tướng, bắt con yêu quái Vô Chi Kỳ tác oai tác
phúc rồi đè nó dưới chân núi Quy Sơn ra làm sao (1). Còn về hoàng thượng
Đế Thuấn thì thật tình không ai nhắc tới nữa, họa chăng cũng chỉ nói đến
chuyện lêu lổng phóng túng của Thái tử Đan Chu (1)mà thôi.
-----
(1)Chuyện Vũ biến thành gấu vàng có chép trong “Tùy Sào Tử”:
“(Vũ) trị hồng thủy, thông Viên Sơn, biến thành gấu”.
Truyền thuyết về Vô Chi Kỳ có chép trong “Cổ nhạc độc kinh” của Lý
Công Tá thời Đường: “Vũ trị thủy, ba lần đến núi Đồng Bách, gió quất
cuồn cuộn, chớp giật ầm ầm, cây đá hò reo, … cản trở ông. Vũ nổi giận,
triệu tập chư thần, sai khiến Quỳ Long. Ngàn thủ lĩnh ở núi Đồng Bách đều
cúi đầu thỉnh mệnh… Gặp phải thủy thần Hoài Oa, tên là Vô Chi Kỳ, giỏi
tranh biện ứng đối, biết rõ độ nông sâu của sông Giang, sông Hoài, sự xa
gần của chỗ cao, nơi thấp. Hình dạng như con khỉ, mũi ngắn trán cao, mình
xanh đầu trắng, mắt vàng răng tuyết. Cổ rướn dài trăm thước, sức hơn chín
con voi, đánh nhau, bay nhảy đều nhanh như cắt, thoáng chốc đã biến mất,
không thể nhìn được lâu… (Vũ) siết dây quanh cổ (Vô Chi Kỳ), xuyên
chuông vàng qua mũi, rồi đè nó dưới chân núi Quy Sơn ở phía Nam sông