“Đại ca! Huynh dậy đi! Xuất binh rồi!”, ông cung kính giũ tay đứng
trước giường Bá Di nói lớn, giọng nói có chút trầm đục hơn so với lúc bình
thường.
Bá Di sợ lạnh, không hề muốn dậy sớm như vậy, nhưng ông vô cùng
hữu ái, nhìn thấy huynh đệ mình lo lắng, đành cắn răng một cái và ngồi
dậy, khoác áo da, chậm chạp xỏ quần ngay trong chăn gấp.
“Đệ mới định luyện quyền”, Thúc Tề vừa đợi vừa nói, “Lại nghe thấy
bên ngoài có tiếng người ngựa đi qua, vội chạy ra đường lớn xem thử…
quả nhiên tới rồi. Trước tiên là một chiếc kiệu trắng lớn, tổng cộng có tám
mươi mốt người khiêng, bên trong là một tấm bài vị gỗ, viết mấy chữ “Đại
Chu Văn Vương chi linh vị” (linh vị của Văn Vương nước Đại Chu), theo
sau toàn là binh lính. Đệ nghĩ: Nhất định là đi phạt Trụ rồi. Chu Vương
hiện nay là hiếu tử, ông ta muốn làm đại sự, tất sẽ khiêng Văn Vương đi
phía trước. Đệ nhìn qua một cái rồi chạy về, ai ngờ đâu ngoài tường viện
dưỡng lão của chúng ta đã có dán cáo thị…”
Bá Di đã mặc xong quần áo, hai huynh đệ ra khỏi nhà, cảm giác có
một luồng hơi lạnh, vội co rúm người. Bá Di trước giờ ít đi lại, vừa ra cửa
chính là thấy mọi thứ hơi mới mẻ. Chưa được mấy bước, Thúc Tề đã giơ
tay chỉ thẳng lên tường, quả thật có dán một tấm cáo thị lớn:
“Chiếu xét Trụ Vương nhà Ân hiện nay, tin lời lẽ của đàn bà, tự đoạn
tuyệt với trời, hủy hoại tam chính (ý nói đến chính đạo của thiên, địa,
nhân), xa lánh anh em quyến thuộc (ý nói giết Tỷ Can, bỏ tù Cơ Tử). Lại
dứt bỏ lễ nhạc của tổ tiên, ưa thích xỉ nhạc dâm dật, dùng thứ biến loạn
thanh âm chính thống để vui hưởng nữ sắc. Cho nên Phát ta cung thuận ý
trời đi thảo phạt. Các ngươi hãy cố gắng lên, việc này không thể có lần thứ
hai, càng không thể có lần thứ ba! Nay bố cáo”.
Sau khi hai người xem xong, không ai nói gì mà đi thẳng hướng
đường lớn. Chỉ thấy dân chúng chen lấn đông nghịt ở bên đường, đến độ