bưng kín như nêm. Hai ông đứng phía sau nói một tiếng “Làm ơn!”, dân
chúng quay đầu nhìn lại, thấy đó là hai ông lão râu tóc bạc phơ, liền theo
lời thượng dụ kính lão của Văn Vương, vội tránh ra, nhường hai ông đi lên
trước. Lúc bấy giờ đã không thấy tấm bài vị dẫn đầu đâu nữa, mà là từng
hàng giáp sĩ đi qua. Sau khoảng thời gian nướng hết ba trăm năm mươi hai
chiếc bánh lớn, mới thấy rất nhiều binh lính khác, vai mang cờ vân hãn
chín tua, trông như mây ngũ sắc. Tiếp đến lại là giáp sĩ, theo sau là một đội
bá quan văn võ cưỡi những con ngựa cao lớn, vây quanh một vị vương gia
có gương mặt tim tím, râu quai nón, tay trái cầm rìu vàng, tay phải nắm
đuôi trâu trắng, uy phong lẫm liệt: Đó chính là Chu Vương Phát (1)“cung
thuận ý trời đi thảo phạt”.
-----
(1)Chu Vương Phát tức Chu Vũ Vương Cơ Phát, con của Văn Vương.
Thiên “Chu bản kỷ” trong sách “Sử ký” viết về tình hình thệ sư ở Mục Dã,
nói rằng Vũ Vương “tay trái chống hoàng việt (rìu vàng), tay phải cầm cờ
mao (đuôi trâu) trắng để chỉ huy”.
Dân chúng hai bên đường lớn, ai nấy đều vô cùng kính cẩn, không
người nào động đậy, không một ai lên tiếng. Giữa bầu không khí vô cùng
yên tĩnh ấy, chẳng ngờ Thúc Tề lại kéo Bá Di xông lên, len qua mấy con
ngựa, chạy tới nắm lấy hàm thiếc ngựa Chu Vương, rướn thẳng cổ thét lớn:
“Cha chết không chôn cất mà lại động binh, có gọi là “hiếu” không?
Làm bề tôi mà muốn giết vua, có gọi là “nhân” không?...”.
Ban đầu, dân chúng bên đường và võ tướng trước xa giá đều giật mình
ngơ ngác, ngay cả đuôi trâu trắng ở trong tay của Chu Vương cũng bị
nghiêng lệch đi. Nhưng Thúc Tề mới nói được bốn câu, liền nghe thấy một
tiếng hô to, có mấy thanh đại đao chém từ trên đầu họ chém xuống.
“Dừng lại!”.