vương xây dựng. Thông tin ấy khiến đám đông ca tụng không ngớt lời, có
vài người ngồi xổm xuống, nghiêng đầu nhìn gương mặt Thúc Tề, có vài
chị chạy về nhà đun canh gừng, có vài anh thì đi báo cho viện dưỡng lão
biết, bảo họ mau chóng mang ván cửa ra đón người.
Sau khoảng thời gian nướng hết một trăm linh ba hay một trăm linh
bốn cái bánh lớn, tình hình vẫn không có chút chuyển biến, người xem
cũng dần dần tản mác. Lại rất lâu nữa, mới thấy hai ông lão khiêng ra một
tấm ván cửa, tập tễnh từng bước đi tới, trên ván còn phủ một lớp rơm rạ:
Đây cũng là quy tắc kính lão do Văn Vương định ra từ rất xưa. Ván đặt
xuống đất, vang một tiếng “koong”, rung đến độ Bá Di bỗng mở bừng hai
mắt: Ông đã tỉnh rồi. Thúc Tề vui sướng và ngạc nhiên hô lớn, giúp hai
người kia nâng Bá Di nhẹ nhàng đặt lên ván cửa, khiêng về viện dưỡng lão,
còn ông thì đi theo bên cạnh, níu sợi dây gai treo ván.
Đi được sáu bảy chục bước, nghe xa xa có người đang hét to:
“Ngài ơi! Đợi chút đã! Canh gừng tới đây!”.
Đó là một thiếu phụ trẻ tuổi, tay bưng vại sành chạy đến, dường như
sợ canh gừng vẩy ra ngoài nên cô ta không chạy nhanh.
Mọi người đành dừng lại, đợi cô ta tới. Thúc Tề cảm ơn ý tốt của cô.
Cô thấy Bá Di đã tự tỉnh, hình như có chút thất vọng, nhưng nghĩ ngợi một
lát, vẫn khuyên ông uống canh cho ấm dạ dày. Song Bá Di sợ cay, nhất
định không chịu uống.
“Vậy phải làm sao đây? Canh nấu từ gừng già đã để suốt tám năm
ròng. Nhà người khác kiếm không ra thứ này đâu. Trong nhà tôi lại không
có ai thích ăn cay…”, nhìn cô lộ rõ vẻ không vui.
Thúc Tề đành nhận lấy vại sành, dùng đủ mọi cách ép Bá Di uống nửa
hớp, còn dư lại rất nhiều, ông bèn nói mình cũng đang đau dạ dày, rồi uống
hết sạch. Vành mắt ửng đỏ, nhưng ông vẫn cung kính ca ngợi tác dụng của