nhóm đề tài (có Ngọc Trai, Vương Trí Nhàn và tôi) mỗi người viết
bài, sau đó anh Tô Hoài tổng kết. Tôi nghiệm thấy trong bài tổng
kết, anh Tô Hoài hầu như chỉ trình bày những chủ kiến riêng của
anh. Mặt khác, anh Tô Hoài không bao giờ có ý định đưa ra những ý
kiến hướng dẫn, dù là dưới hình thức góp ý, gợi ý nhẹ nhàng. Riêng
tôi thấy cách làm việc như vậy hết sức dễ chịu. Có một buổi sinh
hoạt nhóm tôi trình bày những ý kiến của tôi về văn hóa làng. Sang
buổi sau anh Tô Hoài đưa tôi cuốn sách của Nguyễn Hồng Phong
về Công xã nông thôn và hỏi: “Hiến đã đọc cuốn này chưa?”. Quả
nhiên tôi chưa đọc cuốn này và đây là một tài liệu quý đối với đề
tài của tôi, không có nó nội dung bài viết của tôi sẽ kém phần
“chắc thiệt” nhiều. Trên đời có một loại ân nhân rất đáng quý
nhưng lại ít được chú ý, đó là những người biết ta đương cần đọc
cuốn sách gì và đưa cho ta một cách hồn nhiên đúng cuốn sách
ấy. Trong các bạn đồng nghiệp ở trong nước, loại ân nhân này rất
hiếm. Trong những bạn đồng nghiệp Pháp, Mỹ và Việt kiều dễ gặp
hơn những người sẵn sàng chia sẻ sách và tư liệu với mình. Không có
những cuốn sách mà Dan Duffy, Neil Jameison, François Jullien,
Nguyễn Bá Chung (Mỹ), Nguyễn Ngọc Giao (Pháp)... cho tôi, những
công trình biên khảo của tôi sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Những ý kiến riêng của anh Tô Hoài đôi khi rất bất ngờ. Trong
một cuộc hội thảo, có một diễn giả nói rất mạnh về sự thiếu khiêm
tốn trong giới trí thức. Đây là một định kiến phổ biến và tôi cũng
nghĩ như vậy. Giờ nghỉ, anh Tô Hoài nói với tôi: “Lạ thật, cứ nói đến
trí thức là nhấn mạnh vào bệnh không khiêm tốn, tất cả những
người trí thức tôi biết đều hết sức khiêm tốn, không khiêm tốn
làm sao có trí thức được?” Tôi thấy anh Tô Hoài có lý. Thiện cảm và
ác cảm ở anh Tô Hoài cũng rất riêng. Có một người bạn văn anh Tô
Hoài quen đã hơn bốn chục năm nhưng chưa lần nào anh đến chơi