Bác Niệm
Ở
Việt Bắc, mỗi cơ quan đều có bếp nấu cơm. Ngày ấy, ai đưa
bác Niệm vào làm cấp dưỡng không nhớ. Kháng chiến, ai vào làm
cơ quan cũng được. Đôi khi, có người đi đường muốn theo, có thể
được đi luôn. Cứ nghĩ đã cùng nhau ra ngoài vùng tự do, thế là đáng
tin cậy rồi.
Bác Niệm kể ngày trước bác đã nấu bếp cho hiệu ăn của khách ở
Nam Định. Biết thế thôi, cũng chẳng khi nào bếp có dịp thử thách
các món cao lâu sang trọng, cầu kỳ bác thường khoe. Quanh năm,
chỉ có rau dưa. Nhưng bác Niệm cẩn thận, kỹ tính nên được ngon
cơm.
Cuối năm nào bác Niệm cũng được thưởng về thành tích bếp
núc. Cái bí mật nấu nướng của bác Niệm cũng dễ biết. Chỉ có bắt
chước được nết chịu khó, biết lo liệu thì không dễ mỗi ai đã làm
được. Ở nơi hóc hiểm, cheo leo, rừng già hay núi đá, bất kỳ đâu, vừa
dời đến, bao giờ quanh nhà bếp nhà ăn, bác Niệm cũng cuốc đất
đánh luống trồng những khóm giềng, gừng, lá sả, búi ớt chỉ thiên,
luống hành hoa. Và cái rau mùi tàu khỏe mọc hoang như nghể. Hai
chiếc hũ sành gây mẻ, lọ này vơi, lọ kia vẫn đầy nguyên. Đầu sàn
bếp treo chiếc vỏ quả bầu lọ đựng hạt cải, hạt dền, hạt gấc, bầu
bí, mướp đắng, mướp hương. Trước cửa, quanh quẩn đàn gà và một
hai chú cún. “Chúng nó nhặt những cái rơi vãi, chẳng mất đi đâu mà
rồi được việc. Ở đời thì người nào việc nấy, cả con chó cũng có việc
của con chó”.