chiếc hòm gỗ, đóng lấy. Chuyển nơi ở, bác Niệm quẩy cái nồi ba
mươi và lỉnh kỉnh lọ mẻ, quả bầu hạt giống, bu gà, hai ba con chó
chạy quanh chân. Một bên bôông bêêng cái hòm gỗ ấy.
Bao nhiêu thương nhớ vợ con đều chất trong hòm này.
Hồi kháng chiến, không ai có lương hàng tháng như bây giờ.
Thỉnh thoảng được phát bánh xà phòng giặt. Đầu tóc thì cơ quan đã
sắm con dao cạo, và cái kéo. Mỗi năm mỗi vụ được cấp bộ quần áo
vải ta may sẵn, khi màu gụ, khi phin đen. Vải thô, chúng tôi nhuộm lá
cơi hay ruột pin đèn thành màu xám, vừa sạch, lại tiện chạy tàu bay.
Bác Niệm, quanh năm chỉ đóng một bộ quần áo nâu. Vốn vải gốc
nâu non, bác dấn thêm mấy nước nâu lẫn vỏ dà. Những năm đầu,
còn tươi mới. Rồi nước nâu sẫm xuống thành da bò, nâu đất, dầy
kệp lên như mo nang. Chỉ hai bên vai và sống lưng, mồ hôi muối
nhợt nhạt một chút. Lâu rách thế, cũng còn bởi chẳng mấy khi bác
Niệm xỏ tay xỏ chân cả bộ. Mùa hè, bác cởi trần. Trời rét đã có bếp
lửa và cái chăn đỏ Nam Định. Lại đắp thêm tấm vỏ sui xin được
trong làng Mán - giống chăn sui phải cái lắm bụi, vô ý bị ho khục
khặc cả đêm, nhưng mà ấm như đặt lồng ấp lên bụng.
Làm sao, vải chứ có phải gỗ đâu mà mãi không rách được. Rồi
vai, đầu gối cũng bợt. Những miếng vá khéo. Có người nói bác
Niệm thức cả đêm, lục lọi, khâu vá. Cũng thật như thế. Mùa đông,
đống củi bếp đượm than đến sáng. Người đến nằm ngồi suốt
đêm quanh lửa bếp, mới biết bác đã thức cả đêm. Nói cho đúng,
bác có chợp mắt một lúc. Bác đi ngủ sớm. Như con gà quáng mắt,
chập tối đã lên chuồng. Bác Niệm buông màn nằm, còn nghe xa
xa tiếng con cuốc ra kêu sẩm tối dưới nương. Về mùa lạnh, bác
thiu thiu mắt từ lúc văng vẳng những tiếng sau cùng của con thủ thỉ
thù thì ngoài rặng lau bờ suối.