thế thì chỉ nuôi vài ngày đã khốn, cơm gạo đâu cho chúng nó.
Chiến thắng mà đâm lo, các anh ạ”.
Bác Niệm nhận mấy thước vải may bộ quần áo phát đem xếp cả
vào cái hòm gỗ. Bác cắt nghĩa cho chúng tôi nghe rằng mặc thế
nào cũng xong thôi. Cái này để dành cho mẹ con cu Nam. Đi bấy
nhiêu năm, cũng phải có cái quà chiến thắng chứ, đã đành chỉ gọi
là thơm thảo. Bác nheo mắt, tủm tỉm.
Trời mưa dầm sụt sịt, rả rích. Thong thả, bác Niệm lại mở hòm
xem những bộ quần áo. Giơ khổ phin màu gụ lên: “Cái phin này
nền lắm, nhà tôi mặc thì hợp. Người hiền lành đần độn cả đời ở
trong nhà máy mà. Chẳng biết chợ búa ăn nói thớ lợ đâu. Mà tôi
cũng không thích nghề đàn bà chạy chợ, chỉ tổ hư người”. Bác cứ thủ
thỉ to nhỏ như đang trò chuyện có bác gái ngồi đấy. Rồi quay ra
hỏi chúng tôi: “Này các cậu thử để ý cái màu gụ này, ưa nhìn đấy
chứ?”.
Nhưng, nhớ lại cái nết chỉn chu và chịu khó của bác Niệm, phải
nói đến việc bác học chữ. Bác không biết chữ. Cũng không ai để ý.
Anh em chúng tôi ngập đầu giúp đỡ các xóm Dao bao quanh cơ
quan. Chúng tôi cùng bà con quét dọn nhà cửa, xóm ngõ, chuồng
trâu và đến mùa đi gặt, đi phát nương. Lại mở lớp dạy Bình dân.
Khuya về, chạy huỳnh huỵch. Bó đuốc cháy rừng rực trong tay mà
còn sợ hổ đuổi. Nhưng vẫn cắt nhau vào dạy học đều.
Một hôm, đương buổi ăn cơm. Thường mọi người ăn xong, bác
Niệm mới ngồi vào rồi dọp dẹp sau cùng. Lúc đương ăn, bác Niệm
qua lại, nheo nheo mắt, thêm vào miếng cháy, một muôi canh, một
gắp tôm muổi kho khế, hỏi: “Canh có vừa không, cơm thế nào?…”
Mỗi nét mặt, mỗi câu đáp lại có thể làm cho bác Niệm tươi tỉnh hay