đăm đăm. Bác nhìn mọi người thưởng thức công trình mỗi bữa của
bác một cách hồi hộp, thú vị.
Nhưng hôm ấy bác Niệm bỗng nói giữa các bàn ăn một câu:
- Này, các cậu cứ đem chuông đi đấm nước người mãi, phải bảo tớ
học với chứ.
Lúc ấy mới ớ ra. Không ngượng vì câu phê bình, cũng không thật
vui, nhưng ai cũng cười. Hiển nhiên, trong nhà, ngay trước mặt có
người còn mù chữ, mà không ai nhìn thấy.
Chúng tôi chia việc, để hẳn một chị ở tổ điện đài kèm bác Niệm
học. Người đứng tuổi như bác mà học vỡ lòng không phải dễ. Nhưng
được cái bác vốn chịu khó. Mỗi khuya, đi dạy trong xóm về, qua
nhà bếp, vẫn thấy bóng bác trong phên vách, hí húi dưới ánh nến
trám, những con thiêu thân chạy trụi cánh, lăn ra đầy cái mặt bàn
tre.
Bác Niệm đã thuộc hết mặt chữ, rồi bác biết chữ lúc nào ấy.
Không ai lưu tâm, cũng như khi bác chưa biết chữ. Thế là bác Niệm
đã biết chữ như mọi người. Thỉnh thoảng, bác sang cơ quan ấn
rừng bên cạnh, đem về một tờ báo. Có khi một trang giấy lỗ chỗ của
bát chữ dập thử. Bác Niệm nằm vắt chân chữ ngũ, ê a ngắc ngứ
đọc choang choác.
Bác Niệm cũng hay ngồi viết hí hoáy. Bác xin được ít giấy nhà
in, đóng thành quyển sách cẩn thận. Tôi ngỡ bác ghi sổ sách nhà bếp
chi tiêu, hay tập viết. Không phải. Bác viết dài dài, lỗ mỗ. Như lời
nói với con, với vợ, với người ta. Các thứ, đủ thứ. “Nam ơi”. “Này con
cún”. “Nhà nó ơi”. “Thằng chó nó ấm đầu đấy”. “Sáng nay đã đi