Một đêm gác rừng
Tiếng kẻng đổ hồi. Từng tiếng sắc lanh lảnh, nức nở lên.
Bấy giờ buổi chiều đã sạm lại. Mây trắng đổi màu vàng sọc. Và,
những cây ở bốn phía rừng xám ngoét một dải bát ngát. Ấy là bởi
vì hơi đêm đã đầy dần, len lỏi từ những khe rừng tối tăm mà bò
ra, khiến ánh sáng không còn thế lực gì nữa. Theo chiều, vừng
mặt trời thẫm một màu máu tím lịm ngả chếch xuống ngọn những
lùm cây mênh mông đằng xa.
Trong các lối đi giữa những hàng cây đều chăm chắm và xa
hút lòm, bọn “dân” tan giờ điểm, đương đi tãi ra, lũ lượt về các
xóm ở dựa mé bờ sông. Những bóng đen bước lùi lũi. Không phải
trời tối, bởi trời chưa tối hẳn, mà chính mặt mũi họ đen thực.
Nước da thâm xịt, đen và xám bủng, tưởng như sờ đến thì có sạn
cát dính vào bàn tay. Tóc ngắn, rụng lưa thưa. Những cẳng tay cẳng
chân gầy tóp. Trái lại, bụng ai cũng to phềnh. Những cái bụng
vượt ngực, phình như những chiếc bụng giun của trẻ con. Phần
nhiều, người ta đi run đây đẩy. Ai đi cũng khoanh hai tay, cái cổ rụt,
đầu gối lại giơ cao, gieo những bước chân líu ríu. Họ rét. Phải,
nhưng đấy là người ta rét bệnh. Cứ mỗi ngày, khi chiều tối sẫm
lại, thì cơn rét cũng về trong thân thể mọi người. Bệnh sốt rét, và
cả đến bệnh thành thói quen, chẳng làm cho ai sợ. Bởi thế, lẫn với
những tiếng xuýt xoa, những lời rên rỉ lầm rầm, lập cập răng va
vào nhau còn tiếng vọng cổ Nam Kỳ ề à Văng vẳng tiếng chuông
chùa... Vẳng xa đưa... Những câu hành vân Bắc kỳ réo rắt: Dặm
băng ngàn, dặm băng ngàn, nhớ bạn phòng loan. Cả tiếng huýt gió