trai là anh Nhất. Mới mấy năm trước, còn đi ra ruộng làm cỏ lúa.
Giữa trưa, nắng chang chang mà xách được giỏ cua dưới đồng sâu
về, lấm như vùi. Mấy năm nay thì chịu thua rồi, chỉ loanh quanh
nhặt nhạnh cái rau cái cỏ trong bờ rào. Tính nết đâm ra lẩm cẩm
dần, ăn đâu lại quên đấy.
Bà Tứ ngồi rười rượi trông ra ngoài ngõ, có người đi qua, chào
hỏi: “Bà đã xơi cơm chưa?” Vừa xong bữa hẳn hoi, mà bà Tứ ngây
mặt ra rồi hừ một cái: “Nào đã cơm cháo gì đâu!” Người con dâu
trưởng đã để ý cái nhẵng tính tai ác ấy của bà mẹ chồng từ lâu. Có
lần chị cũng nói trong bữa ăn, nhưng nói vui thôi. Bà buông đũa
xuống, đứng lên: “Tôi vu oan giá họa cho ai để tôi chết không
nhắm mắt à!”.
Các cháu cũng không dám nói cợt bà thế. Tưởng chỉ ở nhà giáo
Nhất thì có thể sinh ra chuyện “chó dữ mất láng giềng, dâu dữ
mất họ” bà lão mới hay giở chứng, nhưng cả những khi ở bên nhà
các cô Nhị, cô Tam bà cũng vùng vằng, mà trước mặt các con gái, bà
con rủa xả ác khẩu gấp mấy: “Là con chó dại cắn càn thì mới mở
mõm ra ăn không nói có thế”. Cả năm nay bà lão ngại đi, chỉ ở nhà
giáo Nhất không sang nhà các con gái. Thỉnh thoảng hai cô em đèo
sang anh yến gạo và ít tiền. Được cái anh em nhà này vốn cũng
dễ dãi, êm thấm cả.
Nhưng mà người ta cái số tuổi càng gông đeo trĩu cổ thì lại chỉ
trái tính hơn. Bao nhiêu nết na, kỹ càng, ý tứ và thời con gái nhanh
nhẹn ve vén việc nhà của cô Tứ xưa, bà lão Tứ bây giờ vẫn còn nhớ
cả đấy nhưng bà lão thì hàng ngày chỉ còn làm trò chơi cho lũ trẻ
con.