Sự to lớn rõ ràng rất đáng sợ, đặc biệt cho một doanh nhân chưa từng lèo lái
một công ty lớn trước đây. “Anh sẽ không ngừng muốn công ty có cảm giác
nhỏ bé,” ông nói. “Anh cần xây dựng những cơ chế và giá trị văn hóa để
cảm thấy nhỏ bé nhất có thể. Đó là cách để bạn luôn đổi mới và nhanh nhẹn.
Nhưng cách anh làm điều đó ở những quy mô khác nhau sẽ rất khác nhau.
Khi ở quy mô cực kỳ nhỏ, bạn sẽ tiến rất nhanh nhờ kiến thức thô sơ. Nhưng
nếu áp dụng cách làm này ở quy mô lớn, mọi thứ sẽ rất hỗn độn và bạn thực
sự đi rất chậm. Do đó, bạn phải liên tục tìm kiếm ranh giới giữa trật tự và
hỗn độn.”
Tôi hỏi liệu ông có suy nghĩ về biến chuyển mà tất cả những công ty đang
trưởng thành đều phải trải qua, khi công ty bắt đầu xuất hiện các nhân tố
mới chứ không chỉ bao gồm những người trẻ tuổi, độc thân không phải bận
tâm điều gì ngoài công việc. “Tôi gọi đó là vạch đỏ,” ông nói. “Anh có thể
lái xe thật nhanh, nhưng luôn tồn tại một vạch đỏ. Và mọi người đều có vạch
đỏ riêng của mình. Anh có thể chạm vào vạch đỏ đó để kiểm tra năng suất
của cỗ máy. Anh có thể thấy mình thực sự đang sở hữu nhiều thứ hơn kỳ
vọng. Nhưng anh không thể giẫm lên vạch đỏ quá lâu. Và mỗi người đều có
vạch đỏ của riêng mình.” Ông chỉ ra rằng có nhiều “đứa trẻ Uber” và các
phụ huynh có xu hướng làm việc hiệu quả hơn so với những người không có
con cái và ít bị ràng buộc thời gian hơn. Dù vậy, có những giới hạn trong
tham vọng của Kalanick nhằm mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc
sống cho nhân viên. “Nếu ai có năng suất cao hơn, họ sẽ đi lên nhanh hơn.
Chỉ là vậy, không có cách nào khác.”
Sau hơn ba giờ đi bộ, trời đã trở lạnh và tối. Tôi bỗng nhớ ra trong khi
chúng tôi trò chuyện, Donald Trump đang tham dự lễ bổ nhiệm tại Đại hội
Đảng Cộng hòa ở Cleveland. Khi Kalanick và tôi thảo luận về quá khứ, hiện
tại và tương lai của Uber, Trump đang nói với các khán giả toàn quốc rằng
“chỉ mình tôi có thể sửa chữa hệ thống này”. Cả nước Mỹ có thể đang dán
mắt vào màn hình tivi tối đó, nhưng chính trị không xuất hiện trong cuộc nói
chuyện của chúng tôi.