máy. Chỉ một loáng sau là đã xong những cái bánh vuông vức, xanh
mướt. Cứ thế, chỉ vài giờ sau mẹ tôi đã gói xong gần cả trăm cái
bánh chưng. Cái nào cái nấy vuông vắn và giống nhau như đúc.
Xong là đến phần việc của bố tôi. Ông xếp chúng gọn vào các
thùng thiếc to đặt trên bếp lửa đỏ rực. Sau đó, bố tôi cứ loanh
quanh hết bếp này đến bếp nọ để bảo đảm ngọn lửa luôn cháy
đều. Trong khi chờ bánh chín, cả nhà tôi thường xúm xít ngồi quây
quần bên bếp lửa hồng trò chuyện với nhau. Nhờ vậy tình cảm anh
em chúng tôi càng thêm khăng khít. Mọi tị hiềm, đố kỵ trong năm,
nếu có, cũng sẽ theo những làn khói từ từ bay mất.
Cứ thế, từ năm này sang năm khác, dù dư dả hay túng thiếu, dù
bận rộn hay nhàn tản, cứ đến 28 tết là các lò nấu bánh nhà tôi lại
sáng rực cả một góc vườn. Có năm, sợ mẹ vất vả, bố tôi đề nghị
không gói nữa mà mua bánh bán sẵn. Quả thật năm đó mọi người
nhàn nhã hơn hẳn nhưng ai cũng thấy buồn tênh. Tết đến rồi
đi. Lặng lẽ quá thể. Chẳng có chút gì gọi là hương vị ngày tết. Bởi
thế, từ năm sau, không cần bàn cãi, cả nhà tôi nhất trí cùng chung
sức gói bánh như cũ. Thế là một bầy con, lúc này còn có thêm cả
dâu, rể lại xúm xít vây quanh một bà lão gần 70 để chờ nghe mẹ sai
bảo như thuở còn bé.
Nhưng phận người làm sao thoát khỏi mệnh trời. Sau một cái tết
đầm ấm được vài tháng, mẹ tôi bất ngờ bỏ chúng tôi ra đi sau một
cơn bạo bệnh. Thiếu mẹ, nhà trống vắng hẳn. Rồi nỗi buồn
mất mẹ càng thêm rõ nét khi cái tết năm sau lại đến. Ngày xuân
thiếu mẹ anh em tôi buồn ngơ ngác. Chúng tôi, dù đã vợ con đùm
đề, trông vẫn không khác gì đàn gà con lạc mẹ. Đứa này nhìn đứa kia
mà héo hắt cả lòng. Nhìn đâu cũng thấy trống huơ trống hoác.
Hình bóng người mẹ hiền từ với đôi bàn tay thoăn thoắt đã tan