Tư đi ở, làm thuê, làm mướn hết nhà này qua nhà khác mà không
cần nhận lương.
Nhưng thời khốn khó, chỉ gia đình nào có việc cần hay những
nhà có con nít và phụ nữ ở cữ mới gọi bà Tư về “cưu mang” vài ba
tháng, cũng là để nhờ bà giúp đỡ. Có nơi, bọn trẻ càng lớn càng quấn
quýt thương yêu bà Tư, chúng níu chân bà ở lại có khi lên đến một,
hai năm liền. Hầu hết bọn trẻ con trong làng qua bao lứa tuổi
đều từ một tay bà Tư chăm nom, bồng bế. Nhiều đứa trong thời
kỳ bỏ bú theo mượn “vú da” của bà Tư mà ngậm, mà mút cho qua cơn
thèm sữa mẹ.
Tôi cũng là một trong những đứa trẻ ấy. Vì sinh non tháng nên
mẹ tôi thường bị tắc sữa, bà Tư dọn về ở hẳn với gia đình tôi, mớm
cho tôi từng muỗng nước cơm. Nhiều lần mẹ tôi nhắc: “Không có
bà Tư chắc lũ bây không lớn được chừng vầy!”.
Bà Tư ở lại với gia đình tôi lâu nhất, đỡ đần mẹ tôi không biết
bao nhiêu việc và phụ giúp bố mẹ tôi nuôi bảy anh em tôi khôn lớn.
Nhưng bản tính không cho bà Tư được an phận ở mãi một nơi. Năm
tôi vào lớp 1, bà Tư lại gánh nỗi thèm khát trong tim, tìm đến những
ngôi nhà khác để lại được thương yêu, dỗ dành từng miếng ăn giấc
ngủ cho những bé con khóc khan đòi sữa mẹ.
Một lần tình cờ, bà Tư nghe tin một cô gái vừa sinh con xong đã
vứt bỏ trước cổng trung tâm bảo trợ tận trên tỉnh. Bà lân la tìm đến
xin đứa trẻ ấy về, nhận làm con, làm cháu, chăm bẵm bằng tất cả
tình yêu thương, khao khát của một người mẹ già cỗi, đơn độc trước
những tháng năm còn lại của cuộc đời.