sự. Đến gần 9g cha tôi trở về bảo là không vào thị xã được vì ngoài
đó thiết quân luật, lính tráng đầy đường. Ngoài lộ cái trước nhà tôi,
qua mảnh vườn cây tạp lưa thưa, tôi cũng thấy lính nghĩa quân và
cảnh sát áo trắng đi lại nhiều hơn mọi ngày. Bỗng đài phát thanh
Sài Gòn khọt khẹt rồi mất sóng. Tưởng cái radio dở chứng, tôi vỗ
bộp bộp mấy cái nó vẫn không kêu.
Cha tôi ngồi uống trà và hút thuốc liên miên chẳng nói gì. Tôi
cũng nằm co trên võng nhắm mắt nhưng không phải ngủ. Chiếc
radio tự nhiên lại khọt khẹt, nhạc hiệu lạ phát lên, rồi tiếng nói của
người đàn ông tự xưng: “Tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh...”. Tôi
bật dậy chạy đến ngồi sát bên radio. Cha tôi bảo mở to lên. Trên
radio lại phát: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh...”. Rồi lời chấp
nhận đầu hàng của người đại diện lực lượng quân giải phóng.
Cha tôi vỗ tay xuống bàn nhìn tôi nói to: “Thôi, hết chết rồi
con! Dẹp chuyện tu hành đi. Lo học hành cho tới nơi tới chốn”. Rồi
bài hát Nối vòng tay lớn vang lên thô mộc trên nền nhạc đệm đàn
thùng...
Tôi phóng ra lộ, lính ở đâu nhiều quá. Từ bến tàu đổ ra, từ phía
trên đổ xuống, ai cũng chỉ mặc áo thun, có người cởi trần, thậm chí
có người chỉ độc chiếc quần xà lỏn trên người. Rõ ràng bây giờ họ
đã là bại binh nhưng lại có rất nhiều người vui cười hớn hở và luôn
miệng kêu: “Hết chết rồi! Hết chết rồi!”.
Thế là cuộc đời tôi đã sang bước ngoặt mới và đi tiếp đến ngày
hôm nay. Tôi thường nói với các con tôi: “Nếu không có ngày 30-4-
1975 thì không biết cuộc đời cha sẽ đi về đâu, nhưng chắc chắn là
cha sẽ không gặp mẹ con và tất nhiên là sẽ không có các con trên đời
này”.