... Giữa khu đất trọc bao la cằn cỗi vài loại cây dại mọc lên một
võ đài ximăng khô khan, thô ráp, không một bóng người. Tôi và cô
bạn đi ngang. Bỗng nhiên xuất hiện anh cùng quê Thu Xà đứng trên
võ đài gọi: “Nè, ông cụ mất rồi đó nghe”. Tôi cãi đâu có, có thì tôi
phải biết chứ. “Nhà giấu em đó, ông cụ chết rồi”. Chợt có tiếng
lao xao, tôi quay lại thấy bốn người mặc veston đen, cà vạt chỉnh
tề mà đi chân trần, khiêng thầy tôi bận áo dài the khăn đóng,
cũng chân trần. Họ bước lên tấm ván kê ba bậc cấp dẫn lên võ đài,
cứ tuột xuống lại bước lên. Tôi vội chạy đến đỡ phần bụng thầy,
quát: “Phải khiêng ông cụ như vầy chứ!”, rồi giật mình thức giấc.
Tôi lay chồng, khóc: “Thầy chết rồi”. Chồng tôi bảo “tại em lo
quá nên mơ vậy thôi, không tin em cứ ghi ngày tháng đi”. Tôi bật đèn
ghi chép.
Tuần sau được điện tín do anh rể gửi. Lần này đến phiên tôi
xỉu. Hơn hai tuần sau nhận được thư chị tôi: “Mua vé xe không được,
chị về rất trễ, tang lễ đã từ buổi sáng. Sáng hôm sau 10g lên đến
mộ, chị khấn: “Thầy cho con can đảm báo tin cho em”. Tôi giở chỗ
ghi chép: thư chị viết cùng ngày với cơn mơ báo tin lúc 3g55. Chả là
Paris - Sài Gòn cách nhau 6 tiếng.
Mất cha, tôi hằn học gọi các đấng tối cao... hạch sách tại sao.
Mãi đến giờ gần 30 năm sau tôi vẫn nghĩ mình đâu đã làm gì
đáng được cha mình rưng rưng đến thế, và vẫn mong ước hão
huyền phải chi cha mẹ mình còn sống...