Lên cầu tàu 914 thì mạnh ai nấy đi. Lũ bò bọn tôi bị lùa vô bờ.
Một anh tên là Thạch Khen cầm roi mây chạy tới chạy lui quát tháo
om sòm: “Sao con bò nào cũng ốm nhom vậy cà?”. Cuối cùng anh
ta dừng lại, tay vỗ vỗ đầu tôi: “Hãy để con bò cái này lại cho tôi!”. Có
vẻ anh ta thấy tôi còn ngon, còn sức lao động khổ sai?! Rồi anh ấy
nắm dây vàm dắt tôi đi: “Mày có phước lắm đó! Bạn mày nay mai
vô lò sát sinh hết... Da thì người ta lột ra để chúa đảo mang về Sài
Gòn bán! Thịt đùi thì dành cho thầy chú. Còn gân và xương thì ưu
tiên cho lính và tù... Mà cũng đâu có hoài, lâu lâu tới lễ lộc gì mới có!
Mỗi người chỉ được 1-2 cục gân hoặc xương để ngửi hơi bò. Bởi vậy
mới có câu thơ rằng:
Khô mục, tương chua, cơm gạo lứt
Khoai sùng, mắm thúi, thịt bò gân
Vừa đi, Thạch Khen vừa tâm sự: “Kể từ đây mày sống trọn đời với
tao! Tao là Thạch Khen, tù khổ sai chung thân nên đặt tên mày là
Thạch Chê, Chê hay Chế gì cũng được. Ngày mai tao tập cho mày
kéo xe (xìtẹc nước đi phân phối cho công chức và các cơ quan trên
đảo). Này! Đám cỏ bên đường, Chế mày lại gặm đi! Cha! Coi bộ mày
đói dữ ta, ráng ăn cho có sức mà lao động. Ở đây không ai thương tù
đâu! Chế ơi, mày giỏi lắm! Mới có mấy bữa mà mày kéo xe rành
quá! Ngày mai ta bắt đầu nhé. Đây là cái giếng Gia Long ở sát
biển, gần cầu tàu 914, tao với mày tới đó lấy nước. Tương truyền
rằng khi xưa vua Gia Long bôn tẩu ra đây, đoàn tùy tùng hết nước
ngọt nhà vua khấn vái rồi rút gươm chém xuống đất ba nhát, đào
lên thấy có nước ngọt cứu đoàn qua cơn chết khát! Xe bò ọp ẹp mà
cõng trên lưng xìtẹc một mét khối nước thì nặng quá! Tao lấy phân
nửa nước thôi cho mày nhờ! Nào, ta đi. Đường vòng vèo nếu kéo
thẳng ra phải hơn 30km. Chế, mày ráng sức lao động nghen!”.