không lấy làm tiếc. Ai cũng biết chúng rầy rà đến mức nào.
Rõ ràng đến lúc ai đó phải làm gì đó rồi, đấy là ý kiến người phụ nữ
đứng quầy, ở cửa hàng tôi vẫn mua thuốc lá. Cửa hàng ở góc đường, một
sạp báo nhỏ: tạp chí, thuốc lá, kẹo. Bà đã đứng tuổi, tóc đã bạc, thuộc thế hệ
mẹ tôi.
Người ta cứ thế dẹp chúng đi, hay là sao? Tôi hỏi.
Bà nhún vai. Ai biết, ai thèm biết, bà nói. Có thể chỉ chuyển chúng đi
đâu đó. Cố trừ cho tiệt cũng như cố giẫm chết chuột, cháu hiểu không? Bà
nhập Mã vi tính của tôi vào máy, cũng chẳng nhìn qua: tôi là khách quen
rồi. Mọi người đang phàn nàn, bà nói.
Sáng hôm sau, trên đường đến thư viện làm việc, tôi lại tạt vào đó mua
thêm bao nữa, vì đã hết sạch. Dạo này tôi hút nhiều hơn, là tại sức căng, có
thể cảm thấy nổ, như tiếng ì ầm dưới lòng đất, dù sự tình có vẻ im ắng quá
chừng. Tôi cũng uống nhiều cà phê hơn, đêm khó ngủ. Ai nấy đều hơi bứt
rứt.
Đài phát nhiều nhạc hơn hẳn, nói ít hơn.
Khi đó chúng tôi lấy nhau rồi, hàng năm rồi thì phải; con đã ba bốn tuổi
rồi, gửi nhà trẻ.
Chúng tôi đã dậy như lệ thường, ăn sáng - yến mạch bỏ lò, tôi còn nhớ,
và Luke đã lái xe đưa con đi, mặc bộ đồ tí xíu tôi mới mua cho vài tuần
trước, Quần yếm sọc với áo phông xanh lam. Là tháng mấy đây? Chắc phải
là tháng Chín. Nhà trường có xe đưa đón học sinh, nhưng không hiểu vì sao
tôi muốn Luke đưa con đi, giờ tôi e ngại ngay đến xe của trường. Giờ trẻ
con không tự đi đến trường nữa, đã có quá nhiều vụ mất tích rồi.
Khi đến cửa hàng góc đường, tôi không thấy bà bán hàng mọi khi. Thế
vào đó là một người đàn ông, còn trẻ, nhìn không quá hai mươi tuổi.
Bà ốm à? Tôi hỏi khi đưa thẻ ra.
Ai? anh ta hỏi, tôi cảm giác hơi gây sự.