Không ai tự ý vào qua những cổng này. Các biện pháp dự phòng là để
ngừa những kẻ muốn thoát ra, dù ngay việc tới được tận Bức tường, từ
trong ra, vượt hệ thống báo động điện tử, cũng đã gần như bất khả.
Bên cổng chính có thêm sáu xác ngưòi đang đu đưa, dây quanh cổ, tay
buộc vào nhau trước bụng, đầu bọc túi trắng ngật sang bên trên vai. Chắc
sáng nay có một đợt Cứu chuộc Đàn ông. Tôi không nghe chuông. Chắc vì
đã quen rồi.
Chúng tôi dừng lại, cùng lúc, như theo hiệu lệnh, và đứng yên nhìn lên
mấy cái xác. Nhìn cũng không sao. Chúng tôi cần nhìn là khác: chúng treo
ở đây, trên Bức tường này, chính là vì thế. Có lúc chúng ở đây suốt vài
ngày, tới khi có loạt mới, để càng nhiều người có cơ hội nhìn thấy càng hay.
Những cái xác treo vào móc. Móc đóng thêm vào lớp gạch của Bức
tường, chính vì mục đích này. Vẫn còn móc trống. Mấy cái móc trông như
dụng cụ hỗ trợ người cụt tay. Hay những dấu hỏi bằng thép, lộn ngược,
xoay ngang.
Chính những cái túi bọc đầu mới là đáng sợ nhất, đáng sợ hơn cả những
khuôn mặt giấu bên trong. Chúng khiến những người này trông như đám
búp bê chưa vẽ mặt; như bù nhìn, mà cách nào đó cũng đúng thế, bởi họ
được đặt đây nhằm gây khiếp sợ. Hoặc như đầu họ chỉ là cái túi, nhồi đầy
một chất gì đó mịn xốp, bột mì hay bột nhào chẳng hạn. Đấy là vì sức nặng
sờ sờ của những cái đầu, sự trống rỗng, trọng lượng đang kéo chúng xuống
mà không còn sự sống dựng chúng thẳng lên. Những đầu này là những số
không.
Cho dù nếu nhìn thật lâu, như chúng tôi đang làm đây, vẫn có thể phân
biệt các đường nét lờ mờ sau lớp vải trắng, như những bóng xám. Đầu họ là
đầu người tuyết, khi mắt bằng than và mũi cà rốt đã rơi ra. Những đầu này
đang tan chảy.
Nhưng trên một túi có máu, thấm qua lần vải trắng, chỗ lẽ ra là miệng.
Nó vạch ra cái miệng thứ hai, màu đỏ nho nhỏ, cứ như có đám trẻ mẫu giáo
cầm bút lông đậm tô vào. Khái niệm cười kiểu trẻ con. Miệng cười bằng