Nếu chỉ đang kể chuyện, tôi có toàn quyền làm chủ đoạn kết. Thế nên sẽ
có đoạn kết, cho câu chuyện, và sau đó đời thực lại quay về. Tôi có thể nối
tiếp chỗ đang bỏ dở.
Đây không phải tôi đang kể chuyện.
Đây cũng là tôi đang kể chuyện, trong đầu mình; trong lúc vẫn đang
sống tiếp.
Kể, chứ không phải viết, bởi tôi không có đồ để viết và đằng nào viết
lách cũng bị cấm. Nhưng nếu là kể chuyện, ngay cả chỉ trong đầu, cũng
phải là tôi đang kể cho người nào đó. Không ai kể chuyện chỉ cho mình cả.
Luôn luôn có người thứ hai.
Ngay cả nếu không có ai.
Một câu chuyện kể ra cũng như một lá thư. Người ơi, tôi nói. Chỉ là
người thôi, không có tên. Gắn tên vào là người bị gắn vào thế giới hiện
thực, là rước lấy may rủi, lấy hiểm nghèo: ai biết được ngoài kia cơ may là
bao nhiêu, để sống sót, dành cho người? Tôi sẽ nói người ơi, người ơi, như
một bài tình ca cổ. Người có thể chỉ nhiều hơn một người.
Người có thể chỉ hàng nghìn.
Giờ tôi không trực tiếp gặp hiểm nguy, tôi sẽ nói với người.
Tôi sẽ vờ như người nghe thấy tôi.
Nhưng chẳng ích gì, vì tôi biết người không nghe được.