chết khi vừa năm tuổi. Tôi nhớ những bức ảnh chụp hồi xưa, tôi bế con,
điệu bộ mau, mẹ và bé, giam trong một khung hình, để giữ an toàn. Mắt
nhắm lại tôi thấy tôi của bây giờ, ngồi bên ngăn kéo mở, hoặc một cái
rương, trong hầm, quần áo sơ sinh gấp lại cất vào đó, một món tóc, cắt hồi
con hai tuổi, bỏ trong phong bì, màu bạch kim. Sau này nó có sẫm hơn.
Tôi không còn chúng nữa, áo quần và món tóc. Tôi tự hỏi số phận mọi
thứ đồ của mình ra sao. Bị nẫng, bị quẳng đi, bị lấy mất. Bị tịch biên.
Tôi đã học được cách sống không cần quá nhiều đồ đạc. Nếu có nhiều
đồ đạc, dì Lydia bảo, các cô sẽ bị trói buộc vào thế giới vật chất này mà
quên đi những giá trị tâm linh. Các cô cần nuôi dưỡng tâm hồn nghèo khó.
Phước thay những kẻ lành hiền. Dì không nói thêm gì về chuyện được đất
hứa làm gia nghiệp.
Tôi nằm, nước lấp xấp qua người, bên ngăn kéo mở không tồn tại, nghĩ
về bé gái chưa từng chết hồi lên năm; một bé gái vẫn còn tồn tại, tôi hy
vọng thế, dù không phải vì tôi. Tôi có tồn tại với con không? Tôi có phải
một tấm hình đâu đó, trong khoảng tối tận đáy trí óc con?
Họ hẳn đã bảo con là tôi chết rồi. Đó hẳn là cách họ sẽ nghĩ ra. Họ sẽ
bảo như thế giúp con dễ thích ứng hơn.
Tám tuổi, chắc phải từng ấy rồi. Tôi đã điền đủ quãng thời gian đánh
mất, tôi biết đã qua bao lâu. Họ nói phải, sẽ dễ hơn, nếu coi như con đã
chết. Tôi sẽ không phải hy vọng, hay cô gắng uổng công. Dì Lydia bảo, việc
gì phải húc đầu vào tường? Đôi khi dì có cách diễn đạt rất hình tượng.
“Tôi không có cả ngày đâu,” giọng Cora cất lên sau cửa. Phải, chị ta
không có cả ngày. Chẳng thứ gì chị ta có trọn vẹn. Tôi không được tước
đoạt thời gian của chị ta. Tôi xát xà phòng, lấy bàn chải và đá kỳ chà cho
hết lớp da chết. Có những vật phẩm kiểu thanh giáo như thế đấy. Tôi muốn
được sạch sẽ vô trùng, vô vi khuẩn, như bề mặt mặt trăng. Tôi sẽ không