Nam Chiếu, Đại Lý là những tập hợp người thành lập được quốc gia
đã cùng với các nhóm nhỏ hơn, ngăn chặn bước tiến của dân Hán đi về
phía tây nam của họ. Trái lại, các triền sông kia là đường mở thiên
nhiên cho các tộc đoàn người thiểu số tràn xuống châu Giao nếu
không bị ngăn chặn. Đời Đường đã thấy quân Nam Chiếu trên đất phủ
Đô hộ như dấu vết di cư nổi bật. Họ có hai vạn quân giữ thành Đại La
(863), phần lớn thuộc thành phần tộc Thái, trong đó có quân Pyu
(“Phiếu” của sử quan Việt) khi họ chiếm nước này, bị Cao Biền giết
khi đang gặt lúa nơi phía nam sông Đuống ngày nay. Thế rồi cuộc tái
chiếm phủ Đô hộ dừng lại, như thế quan Nam Chiếu của lưu vực sông
Lô, sông Hồng, sông Đa vẫn còn đó để tham dự vào những biến động
với Đại Việt sau này. Phải chăng bà Trịnh Quốc (xem minh định về họ
Trịnh nói sau) của Lê Hoàn là thuộc vào một tập hợp Thái còn lại đó?
Chỉ đến khi quyền lực của chính quyền Trung Hoa vươn tới vùng tây
nam ta mới thấy có các cuộc hành binh theo ngả sông Hồng: quân
Mông Cổ trong năm 1257 và tiếp theo là Minh trong chiến tranh
chiếm đóng và giữ gìn thuộc địa mới. Cho nên vùng tây bắc và tây của
lưu vực sông Hồng, vùng tây của các lưu vực sông Mã, sông Lam trở
thành khu vực tranh chấp riêng của một chính quyền Đại Việt lớn
mạnh lấn tới và của các tộc người lần mò mưu sinh, phát triển, có khi
cũng không yếu chút nào.
ĐỒNG BẰNG VÀ MẠN NGƯỢC:
LÝ TRẦN VÀ MAN LÃO
Trải qua nhiều biến chuyển theo với thời gian, những tộc người
thiểu số trên vùng tây nam Trung Quốc, tây, tây bắc Việt Nam vẫn còn
đó tuy đã dời đổi, thay hình theo hướng phức tạp hơn. Có những người
đã đồng hóa theo các tập đoàn lớn mang tổ chức chính trị quốc gia đủ
sức hiện diện trên trường quốc tế. Có những tập đoàn co rút lại, chia ra
thêm nhiều nhóm thành phần theo tình hình sinh hoạt địa vực. Có