from Stone and Paper about Đỗ Anh Vũ [1114-1159]” trong Essays
into Vietnamese Pasts, Cornell University 1995, tr.59-80). Về sau lại
có một bà Đỗ (Chiêu Linh) thái hậu khác (Đỗ Thụy Châu +1190) phù
trợ cho một Đỗ An Di/Thuận (+1188) là em trai, lên nắm quyền. Đến
cuối đời càng thấy xuất hiện nhiều người họ Đỗ nổi chìm theo với sự
suy tàn của triều đại. Điều ta chú ý ở đây là việc Đỗ Anh Vũ tư thông
với Lê thái hậu (Cảm Thánh, vợ Thần Tông) khiến xảy ra một âm mưu
triệt hạ bất thành dẫn đến một suy luận có thể xa hơn về xã hội, hình
luật thời ấy. Tính chất tư thông, cung cách chăm lo gỡ tội cho tình
nhân của bà thái hậu khiến ta thấy có một chút gì bình thường thế
nhân trong sinh hoạt cung đình đương thời. Như mọi tình nhân mê mệt
khác, bà thái hậu trong tập họp buông rèm trị nước thay ông vua nhỏ,
đem vàng bạc đút lót phe đảo chính, vận động phân rẽ phe này (trường
hợp đối với Đàm Dĩ Mông), uyển chuyển làm theo luật nước để lật
ngược thế cờ thua thành thắng, tạo nên một kỳ tích trong chính trường
cũng như tình trường. Cũng bình thường đối với thời đại, như trường
hợp một ông quan khác, thiếu sư Mạc Hiển Tích tư thông với thái hậu
Đỗ Thụy Châu mà các quan đều né tránh. Chuyện ghi chép trong
ĐVSL vào năm 1189, có gây cho ta thắc mắc về thời điểm (Mạc Hiển
Tích trúng tuyển kỳ thi năm 1086, không thể hiện diện vào năm 1189,
chưa kể còn làm việc quậy phá nội cung, và còn được sử ghi bị vua
đày vào năm 1190 sau khi thái hậu mất) nhưng có thể đã xảy ra vào
một lúc nào đó, với một ông thiếu sư khác. Chỉ có thái tử Long Xưởng
đi quá giới hạn mới gây tai họa cho mình.
Toàn thư chép rằng “(Thái tử) Long Xưởng thông dâm với cung
phi, vua không nỡ bắt tội chết” nên phế làm thứ nhân và bắt giam.
Chuyện này thì cũng từng xảy ra ở nước làm gương mẫu cho Đại Việt:
Trung Quốc. Tuy nhiên, ĐVSL (tr. 215) có chi tiết lạ hơn:
“Long Xưởng có tính hiếu sắc. Ở trong cung có cung phi nào
được vua yêu quý, Long Xưởng cũng đều tư thông cả. Nhà vua
rất ghét sự vô lễ ấy. Bà nguyên phi là Từ thị được vua yêu, hoàng