hậu ghen bèn sai Long Xưởng lén lút đến tư tình để gây sự ngờ
vực cho nhà vua, muốn rằng Từ thị từ đó bị vua đối xử nhạt nhẽo
đi. Từ thị cứ tình thực tâu vua. Vua giận bèn phế Long Xưởng”.
Như vậy có nghĩa là trong cung vua, người ta khá dễ dàng tư tình,
từ quan triều với mẹ vua, đến thái tử với các “dì” của mình, ông vua
có biết cũng làm ngơ trừ phi động đến “cục cưng”. Cho nên ta không
lấy làm lạ về chuyện đời Trần. Và ở đây là bắt đầu từ trong dân chúng,
dù đã xảy ra ở nhà hào phú.
Từ cột kinh cầu thọ của Đinh Khuông Liễn đến hòn đá Thạch
Quang Phật
Sử quan nho thần trong khi hạ bút để tuyên dương thánh giáo đã
gạt hẳn những sự kiện xảy ra trái với ý thức hệ của mình. Người sau
biết được những mảnh vụn rải rác là nhờ sự vô tình của các ông hay
chỉ vì lớp sơn chuyển hóa mà các ông phủ lên đã không che lấp được
hết quá khứ.
Khảo cổ học Việt Nam ngày nay đã đào được các cột đá khắc
kinh của Đinh Khuông Liễn dựng năm 973 và của các năm sau đó.
Kinh khắc được ông Hà Văn Tấn khảo sát kỹ càng (Hà Văn Tấn, “Từ
một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư”, và “Cột kinh
Phật thời Đinh thứ hai ở Hoa Lư” trong Theo dấu các văn hóa cổ, Hà
Nội 1998, tr. 786-832). Ông cho biết kinh (bài chú) khắc trên hai loạt
cột tuy có khác nhau một ít nhưng chỉ là một bản với mục đích cầu thọ
của Mật tông. Ông cũng chỉ rõ tính chất khác nhau của Mật tông và
Thiền tông, ngành Phật vẫn thường được coi là chủ đạo ở Việt Nam,
nhưng qua bằng chứng ở các cột kinh này thì lại tỏ ra chúng có liên hệ
mật thiết với nhau. Tuy nhiên sự thông thái của ông vẫn bị tính chất
“nghiêm túc” che chắn nên ta có thể chen vào một vài suy nghĩ thường
tục hơn.