Tập họp quyền bính lúc này lại trở về với nhóm nòng cốt Lam
Sơn. Tuy có việc cạnh tranh tiếp theo là Lê Lăng đòi lập Khắc Xương
(bị giam chết 1476) thay Nghi Dân nhưng Lăng sau đó bị giết (tháng
8âl. 1462), quyền hành còn lại trong tay Nguyễn Xí, người trông coi
đàn chó săn của Lê Lợi trước kia. Nguyễn Xí muốn nổi bật, và đã thấy
thành công khi con là Sư Hồi làm thơ-rơi nói xấu, tố cáo Lê Niệm, Lê
Thọ Vực, Trịnh Văn Sái, Nguyễn Lỗi, những người cùng nhóm lật đổ
Nghi Dân, thế mà Thánh Tông lại bênh. Thư tố Sư Hồi mưu phản
được Thánh Tông đưa xem và an ủi. Những người bị tố cáo kia phải
ngậm miệng và chắc là càng phải cố công phục vụ nhiều hơn, tránh cái
họa của Lê Lăng xảy ra chỉ vài tháng sau. Thánh Tông cần Nguyễn Xí,
như khi “tâm sự” với Sư Hồi, tỏ ra biết chuyện mà có ý thóc mách
trong thế còn thấy mong manh của mình (1465): “... Án lớn xảy ra
hơn... bắt nhiều con em nhà quyền quý... Người ta nói đến cả Cung
Vương (Khắc Xương) và Lê Niệm...” Điều này chứng tỏ sự tranh chấp
của các phe phái lúc bấy giờ vẫn còn nằm ngoài quyền uy của ông vua
mới. Chỉ dần dà với ngày tháng, ông mới tập trung được quyền lực
như lời chê khéo của sử quan Vũ Quỳnh (1453-1516): “(Vua) lấy
người thân (Nguyễn Xí) làm chức chỉ huy, dùng họ nhà mẹ làm việc
duyệt xét”.
Đi sâu vào phía tây
Nhưng rốt lại, kết cục của những biến động đó đã đưa lên một
ông vua đủ văn tài, thấu hiểu nguyên tắc trị nước để dân trung châu
không dám coi thường mở miệng dạy vua mà trái lại bị vua giở sách
thánh hiền, mắng không kịp vuốt mặt. Sau nhiều trận giết nhau làm
mòn sút phe phái, võ tướng cũng vào khuôn phép hơn. Tổ chức nội bộ
vững vàng, thế là lực lượng Đông Đô dồn sức bung ra biên giới để uy
tín Thánh Tông càng tăng. Những trận đánh phía tây lúc đầu, theo lời
sử quan thì vẫn có vẻ thắng thế nhưng thật ra kết quả không mấy khả
quan. Trận 1467, tướng Khuất Đả báo thắng trận nhưng chỉ thấy quân