mở rộng quyền trung ương lớn hơn triều trước, đưa đến việc khai thác
trung châu trên diện rộng.
Như thế một chủ trương chính trị đã trở thành một chính sách
kinh tế có hiệu quả lâu dài mà cũng sẽ là hệ lụy cho các triều đại cai
quản vùng đồng bằng sông Hồng này. Đê đắp càng cao theo lòng sông
có phù sa bị giữ lại, khiến lụt lội vỡ đê càng mang tác hại nặng nề mà
người ta lại không dám phá đê để bồi đắp đồng ruộng ngày càng cạn
kiệt màu mỡ và càng nằm sâu hơn lòng sông khiến mối đe dọa chết vì
nước càng lớn hơn. Vấn nạn này đang được lặp lại ở phía nam khi các
nhà trị thủy sông Hồng mang kinh nghiệm chiến thắng thi hành trên
đất phù sa Cửu Long, chỉ cốt lấy lúa gạo xuất khẩu, không quan tâm
đến những lời phản bác rụt rè tội nghiệp! Họ chưa từng biết đến đề
nghị ngược đời: phá đê sông Hồng để cứu lụt nơi này!
Kết quả nối kết hai kinh đô trên đồng, dưới biển đã đem lại thành
công cho họ Trần sâu xa hơn là ta tưởng. Thăng Long đem lại vị thế
chủ nước, bắt buộc vua, hoàng tộc thu thái kiến thức, từ đó mở rộng
đất nước theo hướng văn minh. Thiên Trường giữ lại truyền thống
dụng võ, có người dân chỉ được quyền làm lính trong đội quân nòng
cốt Tinh Cương, Thiên Thuộc, mở rộng ra là cả một lực lượng thủy
quân làm chủ suốt vùng sông biển ngay trong những lúc thất thế.
Thuyền chở vua quan thoát tay giặc, quân trên thuyền tránh né khi
giặc tấn công rồi quay trở lại chiếm lĩnh trận địa tạo chiến thắng. Tất
cả những trận thắng quyết định đều là trên đường thủy. Có gì lạ khi
Trần Quang Khải ca tụng Chương Dương, Hàm Tử dù chưa phải nhắc
tới Tây Kết, Vân Đồn? Và trong khi chống đối để phát triển lực lượng,
bảo vệ đất đai, Trần chắc không ngờ rằng họ sẽ đem lại ba “nhân vật
lịch sử”, ba “anh hùng dân tộc” cho Đại Việt: Triệu Quang Phục,
Trương Hống, Trương Hát. Truyện tích của nhân vật nào được họ Trần
phong tặng để nhờ cậy thần linh yểm trợ chống Nguyên cũng đều
được trưng dẫn gốc gác sách sử, thế mà ông Triệu Quang Phục bỗng
nhảy ngang ra từ đời Trần với Lý-Đệ tử-Phật, được phong làm hoàng