đem có 5.000 quân cựu Tống, số lượng rõ ràng ghi trên những toán
xuất phát, lại còn chia người cho toán đi Chân Lạp - không về là phải.
Với quân số như thế thì trận thất bại ở núi Nha Hầu (Ia -?) là dĩ nhiên.
Thất bại lớn nhất của Toa Đô là không bắt được chúa Chiêm - cũng
như trong trận 1257, tướng của Ngột Lương Hợp Thai vì không bắt
được Thái Tông mà phải tự tử. Khác với những điều hay nói về “chiến
tranh nhân dân”, chiến trận ngày xưa thường chỉ kết thúc khi bắt được
chủ tướng. Với lực lượng ít ỏi có trong tay như thế mà còn không bắt
được chúa thì vấn đề sứ giả điều đình qua lại hẳn nhiên không thể coi
như một chiến thuật khôn khéo, tài ba tột đỉnh của người Chiêm, trong
đó nhân vật phía Chiêm thực ra vẫn cho thấy tính cách lợi dụng để lấy
lợi riêng cho mình, đến khi thấy không thành tựu thì bỏ trốn. Quân của
Toa Đô lúc thắng thế cũng có mặt hai hoàng tử Chàm theo về (rồi
xoay chiều lẩn mất), lúc ra Bắc cũng có các quan chức Chàm theo, sau
khi thất trận bị Đại Việt trả về Nam. Trong tình hình khó khán như thế
mà Toa Đô giải quyết như lịch sử đã ghi thì khi thấy đầu viên tướng
này, Nhân Tông lên tiếng thương tiếc thật cũng đã biết đánh giá đúng
người.
Trận chiến Chiêm tất yếu dẫn đến Đại Việt. Nắm được lực lượng
chiến thuyền và thương thuyền của Tống, Nguyên đã mở rộng quyền
hành về phía biển. Cuộc chiến lần thứ ba (1288) nặng về thủy quân
chứng tỏ khả năng thu tóm đó tuy rằng điều tiêu cực cũng hiện rõ, là
khi trao điểm sống chết của chiến dịch vào tay quân tướng đầu hàng
(Trương Văn Hổ và thuyền lương tiếp tế) thì thất bại cũng có điềm
thấy trước. Tuy nhiên Nguyên bao gồm Tống đã khiến các tập họp
phía mặt biển dao động. Điều này dẫn đến vấn đề Trần Ích Tắc. Đã
thấy tông tộc Trần gốc biển, “đời đời làm nghề đánh cá”. Và tập họp
biển đó không thuần nhất, còn riêng họ Trần-mới-làm-vua thì cũng
không phải lúc nào cũng thuận thảo với nhau.
***