người bản xứ, phân nửa là từ Lưỡng Quảng đến trú ngụ. Điều đó khá
khó tin nên các học giả ngoại quốc ngày nay (John K. Whitmore, Li
Tana) cũng bài bác nhưng ta có thể hiểu khi nhận ra rằng các quan sát
viên Trung Quốc đương thời nhìn theo tình hình giao thương, nghĩa là
chú trọng nhiều về mặt biển nơi tập trung lớp người sông nước tứ xứ.
Tuy nhiên tình thế đó lại thuận tiện cho “Ích Tắc đưa thư nhờ lái buôn
Vân Đồn xin quân Nguyên xuống Nam”. Tính chất hải đảo của Vân
Đồn lệch bên ngoài trung tâm Thăng Long khiến điểm tập kết buôn
bán này tùy thuộc vào Miền Dưới hơn là Miền Trên. Khi tóm thâu
quyền hành trên vùng duyên hải của Tống, thế lực của Nguyên do đó
cũng lấn lướt hơn ở Vân Đồn, ở Miền Dưới, ảnh hưởng đến quan niệm
chủ quyền địa vực của Trần Ích Tắc để ông nghiêng về phía Bắc. Tính
chất lờ mờ của “chính nghĩa” đương thời đó đã khiến cho sử quan giải
thích việc “về Bắc” của Trần Ích Tắc như đã được thiên đình định
trước, qua dấu vết của một thần nhân (cụ thể: Civa), không phải là kết
quả phản bội của một nhân vật trần thế.
Nhóm Trần Miền Dưới tiến lên Thăng Long trải qua những giai
đoạn bị Nguyên uy hiếp nhục nhã khiến ý thức về một khối Đại-Việt-
của-họ trở nên rõ ràng hơn. Trong khi “Hịch tướng sĩ” - trước 1285?
còn bó gọn trong quan niệm tông tộc trị nước của Miền Dưới thì ở
Miền Trên đã có những lời phẩm bình cay đắng của Lê Văn Hưu 1272
về nỗi nhục dân nước bị đè nén. Chiến thắng trên quân Nguyên đem
lại sự tự tôn không phải chỉ ở tông tộc cai trị mà còn tỏa rộng đến đám
dân dưới quyền - bị cai trị sít sao hơn, cho nên về sau (1374) có lệnh
cấm ăn mặc theo người Bắc (Trung Quốc), cấm nói tiếng Chiêm, Lào
theo những chuyển biến thời Trần vững vàng quyền hành tiếp theo.
Cho nên Nguyễn Đại Phạp đi sứ Nguyên (1292) mới có thể trả lời
Trần Ích Tắc: “Việc đời thay đổi, Đại Phạp trước vốn là tên biên
chép/thư nhi cho Chiêu Đạo Vương (Trần Quang Xưởng), nay là sứ
giả, cũng như Bình chương xưa kia là con vua, nay lại là người đầu
hàng giặc”. “Việc đời thay đổi...” mà Trần Ích Tắc lại không biết thân