những người đó, lúc này, đất nước chỉ là ý niệm trừu tượng không thể
sánh bằng tình quê hương cụ thể. Có người đổi xoay vì ân oán riêng
tư. Có người như Trần Trọng Vi/Huy được Thánh Tông trọng đãi,
quyết tâm “Lưu lạc chết làm ma nước Việt”, chết đi được vua làm thơ
điếu nhưng con lại theo phe Trần Thôi, trở về với quân Thoát Hoan
khiến Thánh Tông sai quật quan tài trị tội. Hiện tượng tương tự cũng
xảy ra trên đất Chiêm Thành, tuy ta không có một Lê Tắc ghi chép mà
phải qua dấu vết từ phía Nguyên. Quân Toa Đô thắng ở dọc biển khiến
những người Tống lưu vong trên đất này trở cờ theo quyền lực mới,
còn một tên Tăng Diên để lại. Chiêm phải giết cả hàng trăm người
nhưng cũng không ngăn được kẻ khác chỉ cho quân Nguyên biết nơi
trú ẩn của chúa họ để đến vây bắt.
***
Tác động trên lãnh vực thương mại, sản xuất của những người
Tống di tản được chứng thực ngay từ lúc đương thời. Không phải
bỗng nhiên mà Thánh Tông cho đem người lạ về ở Thăng Long. Dân
chạy loạn trên 30 thuyền biển kia đã chứng tỏ khả năng mang lại phồn
thịnh cho nơi ở mới nên sử quan mới chịu khó ghi chép về một tên
riêng là “người Kê (sửa là Cốt/Hột) quốc” với các “hàng vải lụa, dược
phẩm, bày hàng mở chợ buôn bán riêng”. Họ đã từng bán loại vải quý,
giá đến cả 300 quan tiền một thước (?!), từng cống người “nước Tiểu
Nhân, cao 7 tấc” (khoảng 2 tấc tây, không biết có phải là cách nói quá
về giống dân vùng Java mà khảo cổ học mới phát hiện gần đây
không). Và chúng ta ngày nay có một bằng chứng về hoạt động của họ
và con cháu trong vấn đề “gốm Chàm/ gốm Bình Định/gốm Gò Sành”
theo phát hiện khảo cổ của thời đại mới.
***
“Gốm” của khảo cổ học tương đương với chữ céramique nhưng
trong dân chúng nó chỉ các vật dụng đất nung không men, thường là