Đại Trị (1358-1369) “bọn học trò mặt trắng được dùng, đem phép cũ
của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc... nhiều không kể xiết”.
Điều đáng chú ý ở đây là cũng năm 1323 đó có việc đúc tiền
kẽm, không nói rõ tên nhưng chắc là lấy theo niên hiệu đương thời:
Đại Khánh, Khai Thái. Việc đó chỉ thực hiện được một năm thì hủy bỏ
chứng tỏ người ta thấy bất lợi - có thể là không cạnh tranh được với
tiền đồng, hay đã bắt đầu gây khủng hoảng tuy chưa mạnh như với
chúa Nguyễn thế kỷ XVIII sau này. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ là
một nhu cầu có thật đã xuất hiện theo với sự phát triển thương mại
trong vùng, bởi vì sau niên hiệu Khai Thái, ta có niên hiệu Đại Trị đã
đúc tiền đồng hiện nay còn lại trong sưu tập với số lượng tương đối
lớn, nhiều kiểu dáng, nhiều hơn hẳn các niên hiệu khác của Trần. Thế
rồi sự phát triển của sản xuất, thương mại tuy không đưa đến sự xóa
bỏ tầng cấp xã hội nhưng cũng làm dịu sự cách biệt. Con ông vua lê
lết đến chơi nhà ông gia thần (Phạm Ngũ Lão), ông vua (Dụ Tông)
đánh bạc với nhà giàu trong dân, ông Trần Khắc Chung ngay lúc còn
mang họ Đỗ khuất lấp đã khiến hình quan không dám xử em mình,
đến lúc chen vào tông tộc quý hiển của đất nước, làm “thủ tướng”, lại
khen vợ con “quân nhân” biếu món ăn ngon, Trương Hán Siêu làm
quan đề cử của vua trông coi chùa lại gả con gái cho người nô của
chùa... Họ Trần từ bỏ vai trò chủ ruộng của Lý, lên làm chủ nước nên
để người thay mặt trực tiếp trông coi ruộng đất, tích trữ làm giàu, tìm
cách bứt phá khỏi tầng cấp xã hội dành cho họ.
Trên vùng có sách sử ghi chép, bằng cớ ảnh hưởng của quân lưu
vong Tống tỏ rõ rộng lớn, sâu xa hơn ở đất Chàm. Dấu vết của nhóm
người Tống không phải chỉ ở tầng lớp trên của Đại Việt mà đã đem
ảnh hưởng chồng chất thêm một lớp văn hóa của mình trên một nơi
thờ cúng địa phương. Từ biến động kinh hồn của trận chiến Nhai Sơn
(1279), tác động đến Đại Việt như sử quan ghi: “Qua 7 ngày có đến
hơn 10 vạn xác chết nổi lên mặt biển”, cửa Cờn của Nghệ An vốn là
một nơi thờ cúng cá ông (voi), đã trở thành chỗ bà cung phi Tống hiển