linh đoạt quyền thần Po Riyak, không nổi sóng lớn, giúp cho Trần
Anh Tông đem quân đánh thắng Chiêm Thành (1312). Rồi hai thế kỷ
sau, lại thêm ông Hùng Vương XIII giữa-trời chen vào thành một thứ
thần pha trộn, đủ để thờ, để sợ mà không cần thắc mắc đến gốc gác
nơi đâu. Giống như xa tận về phía nam, một đền thờ thần Balaha của
Thủy Chân Lạp chuyển qua thần Bạch Mã của Việt lại trở thành chùa
Ông Bổn, giằng co giữa thành hoàng (bổn cảnh) và thái giám Trịnh
Hòa!
Có tướng đầu hàng sống đời hàng thần trên chiến trận cho đến
chết (Trương Hiển 1298), có người đem trò du hý (Đinh Bàng Đức)
góp vui thêm cho cuộc sống dân dã. Trâu Tôn về hàng, chữa bệnh cho
các vương hầu trở thành giàu có. Con là Trâu Canh vào cung mà khả
năng chuyên môn - như một sexologue trước thời đại, đủ sức cứu bản
thân dù có làm liều: cứu thái tử khỏi chết, chữa bệnh liệt dương cho
vua, không những bằng thuốc mà còn bằng ngôn từ lý thuyết, chỉ dẫn
thực hành (“hay dùng những câu kỳ lạ, những kế quỷ quyệt để dụ” Dụ
Tông, chuyển phương pháp chữa trị qua bà công chúa chị Thiên
Ninh), “đụng” đến cung nữ mà khỏi chết, còn truyền trong dân gian
rằng lẩn khuất ở bờ ao, bờ mương đâu đó có sợi dây leo “tăng cường
sinh lý”. Và cuối cùng, nhưng chưa hết, có người phường hát Lý
Nguyên Cát mang đến đất Việt lối “tuồng truyện” đã quyến rũ danh
tướng Trần Nhật Duật “không ngày nào không mở cuộc hát xướng,
làm trò”, lối du hý đã đi vào cung, suýt lật đổ triều đại sớm hơn 30
năm, với con của người đào hát: Dương Nhật Lễ.
Có thể nghĩ rằng việc cải cách âm nhạc, ăn mặc theo lối người
Bắc của nhóm nho sĩ vào triều năm 1323 cũng có đà từ sự hiện diện
của nhóm Tống lưu vong, nhưng lối “cải cách không kể xiết” đó đã
gây phản ứng bất lợi. Sự suy tàn của gốm Chu Đậu có vẻ trùng hợp
với chính sách “dân tộc hóa” cụ thể bằng lệnh trở về thời Khai Thái
của Nghệ Tông (1370), của lệnh cấm ăn mặc theo lối người Bắc
(1374) đã chận nguồn tiếp tế nhân lực, kỹ thuật từ ngoài vào. Sự suy