trở nên hăng hái...” Không thấy mặt Chế Bồng Nga nhưng đã thấy
quân Chàm cướp phá châu Hóa (1362) sau năm tấn công Dĩ Lý xa hơn
về phía bắc (1361). Và đòi đất cũ, đánh tan quân Trần ở Quảng Nam
(1368). Đó là lý do, sau khi thanh toán nội bộ (Dương Nhật Lễ 1370),
Trần Duệ Tông với nhiều năng động hơn, đã tiếp tục thanh lọc nội bộ
theo lệnh chỉ cấm nói tiếng Chiêm (1374) khiến đám nô Chàm từ đây
mất tính cách riêng biệt họ giữ được trên hai, ba trăm năm nhờ sự
buông lỏng của Lý. Và ông chuẩn bị tấn công Vijaya. Ông thất bại,
chết trên chiến trường (1377) để quân Chiêm tràn ra ào ạt, liên tục
(1377, 1378 cướp Thăng Long, 1380, 1382, 1383) đưa tên Chế Bồng
Nga xuất hiện trong sử Việt (1380), tung hoành đến khi chết (1390)
mà không để lại dấu tích nào ở quê hương mình, khác với những đảo
lộn ông gây ra trên đất Bắc.
Với sử quan mang tinh thần nước lớn miệt thị phiên liêu thì
những dòng khen Chế Bồng Nga như trên đã là quá nhưng sự lấn lướt
của Chiêm trong thời gian này có vẻ còn trầm trọng hơn các sự kiện
được ghi chép. Trong trận phản công 1378 sau khi thắng Duệ Tông,
Chế Bồng Nga đem các tôn thất Trần bị bắt, trở cờ, lập một triều đình
ngụy chiêu dụ dân Việt. Người nổi bật là Trần Húc, con Nghệ Tông,
cưng đến mức mang tên là Con ngựa non của vua/“Ngự Câu Vương”,
khi lấy vợ được cha tự thân đón dâu khiến sử quan phải chê trách. Bên
cạnh Chế Bồng Nga còn có các tôn thất Trần khác. Toán quân ngụy
đánh ra đã khiến gây dao động phe phía: sử quan nói đến “dân Nghệ
An ăn ở hai lòng còn dân Tân Bình, Thuận Hóa thì phần nhiều làm
phản theo Chiêm Thành”. Toán người này khi bị thua (Trần Húc bị
chiêu dụ trở về bị giết) thì có người (Trần Thiêm Bình) chạy sang
Minh cầu cứu, gây mối loạn lan cả về phía bắc. Quân Chiêm không
phải chỉ đánh ra rồi rút về theo loại chiến tranh gió mùa truyền thống
mà còn có dáng đã chiếm đóng dài lâu. Họ có mặt thường xuyên ở
vùng Thanh Hóa, mùa đông năm 1389 vẫn còn tiến công chứ chưa
chịu rút về theo gió bấc. Khi có người bội phản chỉ thuyền Chế Bồng