Vào đầu năm 2011, chúng tôi được người quen ở Hà Nội gửi cho
bài “Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm” của GVC Nguyễn Hùng Vỹ,
ghi ngày viết 29-5-2009 (“Hà Nội mùa đông 2000-2008”), nhân đó
cũng được biết thêm là ông đã bàn về vấn đề này qua bốn bài viết từ
năm 2000. Theo các chứng dẫn ông đưa ra, thì đó chỉ la một kiểu cột
chùa đời Lý, có vẻ tương tự như chùa Một Cột nổi danh, vì dấu vết rõ
rệt là còn các rãnh trên đầu đá như chứa các rầm chịu lực cho một
công trình khác bên trên đó. Quan sát này làm ta hiểu rõ thêm câu nói
của Lê Văn Hưu về “tước thạch chi tự”. Tất nhiên tôi phải rút ý kiến
xác quyết về hình tượng một mukhalinga như đã nói trong bài này, lần
viết đầu tiên, cũng như ở các bài khác. Tuy nhiên cũng xin phân trần là
chúng tôi được gợi ý và suy đoán theo những thông tin được cung cấp
để dẫn đến nhận định quá đà, khó được chấp nhận kể trên - chuyện
nhờ cậy vốn là bình thường trong việc khảo cứu. Ngoài gợi ý của Trần
Lâm Biền còn thấy hình ảnh cây trụ đá in trong bản sách của Trần
Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam 1998. Chính với bức ảnh này,
đem đặt kề bức ảnh linga trong tháp Chàm Phan Rang thật dễ thấy có
sự tương cận.
Tuy nhiên ở đây lại nổi lên vấn đề mà ở nơi khác (Thần, người và
đất Việt) tôi đã lưu ý đến tính chất chồng chất văn hóa trên một hiện
vật, một chứng liệu. Chưa kể các xây cất mới thay thế các kiến trúc cũ
như người Pháp đã thấy, và đã phàn nàn - mà chúng ta thì làm lơ, đến
nay vẫn cứ làm-tới, một kiến trúc gọi là của Lý tất nhiên phải có dấu
vết thời đại của Lý... Nhưng ý tưởng về chùa Một Cột (một kiến trúc
thờ tự đặt trên một trụ gỗ/đá) không phải là riêng của Lý, cũng như
không phải đó là bước đầu tiên của sáng tạo. Kiến trúc nằm trên một
trụ độc nhất đã thấy ở nơi khác có người anh em nghèo là cái bàn ông
Thiên phía nam nước Việt. Bảo tràng kinh tạng có ở vùng bán đảo Mã
Lai nhưng ở Hoa Lư mang dấu vết Mật tông, một phái mà ở gốc Ấn
Độ mang tính phồn thực rõ rệt. Một cột đào ở Hoa Lư thấy trong sách
của Lê Thành Khôi có phần đầu trụ là hoa sen, cũng đúng với một