hướng về nam khiến ông còn được thờ xa hơn, ví dụ như ở Bình Định.
A Kim chỉ là tên tượng trưng của dòng cành vàng lá ngọc, cũng như Ô
Lôi là trỏ hình dạng đen đúa của nhân vật chính. Dụ Tông thì mới có
mười tuổi.
Tuy nhiên nếu loại bỏ những thêm thắt, ta thấy truyện có một cốt
lõi thật, đáng lưu ý, nhất là khi so với tình hình khả năng nho sĩ đương
thời, rõ ràng họ chưa đủ sức viết được một “tiểu thuyết” của sáng tạo
mà chỉ là tô vẽ từ “những chuyện góp nhặt... lượm lặt ở tiếng vang
chuyện đồn”, theo con đường hẳn là thành công hơn Hồ Tông Thốc
chỉ vì gần với nguồn thông tin chi tiết hơn mà thôi. Dụ Tông mê người
tôn thất là chuyện-thường của họ Trần. Dịch giả Lê Hữu Mục đã dựa
vào thời gian xảy ra truyện tích, và lầm lạc với đời sống của anh Dụ
Tông, Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục, lấy người con hát sinh ra
Dương Nhật Lễ sau được nối ngôi, mà đoán định niên đại ra đời của
Lĩnh Nam chích quái (tr. 14,15). Ông cho chuyện cướp vợ là của Dụ
Tông chứ không phải của người anh nên xếp đặt sự thật sít sao từ
chuyện đời thường qua sách vở, quả quyết Hà Ô Lôi là hình ảnh của
Dương Nhật Lễ lịch sử, để tìm ra luận chứng cho mình, về phần chúng
ta chẳng tìm cách kết tội người xưa, nhưng sự kiện Nguyên Dục cướp
vợ từ tay người chồng họ Dương cũng được Lê Tắc nói về một ông
vua khác cướp vợ hứa hôn của người (tương đối thất bại). Tên vua
không được nói rõ, tên người phụ nữ chỉ nhớ được từ quê quán (Vạn
Xuân phi), nhưng Lê Tắc hàng Nguyên từ 1285 thì hẳn là chuyện đã
xảy trước đời Trần Dụ Tông gần một thế kỷ (An Nam chí lược, tr.
238), nghĩa là cũng vẫn chuyện bình thường của nhà họ Trần. Nhưng
ở truyện Hà Ô Lôi, ta lại thấy nhiều tình tiết, tâm cảm thời đại hơn các
dòng sử khô khan, đồng thời truyện cũng hé mở cho những suy đoán
bất ngờ hơn.
Trước hết là ở hình dạng nhân vật, được tả là “da thịt đen như
mực”, đen “nhưng da láng như mỡ”, được cả tiên Động Tân khen “đẹp
lắm” trước khi tiếp sức thêm giọng hát tuyệt vời ngoài tính chất thông