Phúc Khoát đã cho gọi con trai là con gái, con gái là con trai, nhưng
dấu hiệu phía nữ không thấy, chỉ rõ rệt là phía nam, như cũng Lê Quý
Đôn cho biết Nguyễn Phúc Hiệu (con trai trưởng) được gọi là Đức mụ,
còn Phúc Dương (cháu) được gọi là Chị Dương. Phúc Khoát có 15 con
trai, không kể con gái, như vậy không thể là “bất lực”, nhưng sự việc
đổi-giống, làm lẫn lộn giống như thế, hợp với nhận xét “lại cái” (chữ
Pháp: efféminé của J. H. White 1819) tỏ ra ông có khuynh hướng
lưỡng tính trong người. “Người con hát yêu” của Phúc Thuần, ở
trường hợp Trần Dụ Tông là Hà Ô Lôi. Ô Lôi không phải chỉ là trường
hợp đồng tính mà là lưỡng tính.
Có lẽ hiếm có trường hợp văn chương sex trong sách xưa của
Việt Nam như ở đây, ở tài liệu có thể là xưa nhất. “Giọng phúng vịnh
(của Ô Lôi) như đùa gió cợt trăng, như mây bay nước chảy làm cho ai
cũng thích nghe, đến đàn bà con gái càng thích nghe hơn”. Quận chúa
A Kim “nghe tiếng hát Ô Lôi... Véo von như tiết điệu Quân thiên... ý
tứ thê lương” liền cho vào chầu hầu. “Thanh âm thấu cả trong ngoài,
quận chúa vì thế cảm động mới thành bệnh uất kết, dần dà đến ba bốn
tháng bệnh càng nặng thêm... Một hôm Ô Lôi đêm vào hầu bệnh...
Quận chúa không ngăn được tình dục mới bảo Ô Lôi rằng: ‘Từ ngày
mày vào đây, vì giọng hát của mày mà ta thành bệnh’. Rồi cùng Ô Lôi
giao thông, bệnh dần dần bớt”.
Họ Trần chấm dứt vai trò lịch sử của mình, với cái đuôi ngắn
ngủi của họ Hồ, cũng là đóng kết luôn cả một giai đoạn sử nước Việt
từ thời độc lập. Một giai đoạn mới sẽ bắt đầu với sự khích động của
một thời thuộc trị nữa.
Khi Thánh giáo lên ngôi
Rõ ràng từ triều (Hậu) Lê, nhất là từ Lê Thánh Tông (làm vua
1460-1497), ý thức hệ Nho giáo đã được chấp nhận là chính thống từ
trên tột đỉnh quyền hành - ít ra là trên đại thể và lý thuyết, để hướng
dẫn tổ chức chính trị và cách hành xử cá nhân. Thánh Tông như đã tìm