dịp chê các ông vua say đắm tửu sắc. Vẫn biết sự suy sụp của một
triều đại nhìn dưới mắt sử gia về sau là do nhiều nguyên nhân khác
sâu xa hơn, nhưng với thời đại mà quyền bính tập trung vào một gia
đình, có các nguyên tắc đạo lý làm nền tảng cho sự an nguy của đất
nước, thì hạnh kiểm của một ông vua cũng có phần góp vào sự đảo lộn
chính trường.
Lê xuất thân từ tù trưởng phụ đạo, rõ ràng vào những ngày đầu
của triều đại vẫn mang dấu vết cũ. Đánh nhau vừa xong thì có lệnh
cho các đầu mục trở về quê cũ giành lại ruộng đất bị lấn chiếm. Mâu
thuẫn của vị thế phụ đạo cũ và hoàng đế mới đã gây nên những rối
loạn cung đình cộng với những mâu thuẫn khác làm nên những biến
động buổi đầu Lê sơ. Chỉ đến khi Lê Thánh Tông “đổi đời”, bỏ thú
“chơi săn”, vui “ngâm vịnh” (lời tựa của Đào Cử cho tập Quỳnh uyển
cửu ca; Phan Huy Chú, Lịch triều..., II, tr. 204) thì triều đại và đất
nước mới chuyển qua giai đoạn khác.
Nội tình gia thất của quốc/quận vương Tư Tề có chuyện người vợ
lẽ bị ruồng bỏ được vừa mắt Hoàng Nguyên Ý, một ông phụ đạo khác
ở Lạng Sơn, cũng là một nguyên nhân khởi loạn của ông này. Tổ chức
cung đình chưa đủ quy củ ràng buộc nên ông vua thứ hai (Thái Tông)
có bà vợ lớn quậy phá thật dữ. Sử quan cho là bà Dương Thị Bí “lăng
loàn kiêu căng” vì có con được phong thái tử nhưng hẳn với nguyên
nhân khác, vì có chuyện vua “rón nhịn bao dung” và bà khi bị giáng
chức vẫn “hằn học trong lòng không kiêng nể gì cả” - tất cả những
triệu chứng viện dẫn đều là của tình trạng xung đột ghen tuông tột
đỉnh mà khuôn phép “lễ giáo” tỏ ra chưa đủ sức ràng buộc bà vợ. Hai
tháng sau khi bỏ vợ (giáng làm thứ nhân), vua “ra lệnh chỉ tuyển con
gái đẹp ở các huyện”. Thế mà bên mình vua đã có sẵn Lễ nghi học sĩ
Nguyễn Thị Lộ, “người rất đẹp, văn chương rất hay... ngày đêm hầu
bên cạnh,” ba năm sau (1442) sẽ gây nên cái chết của ông vua 19 tuổi.
Sử quan ghi gọn ghẽ mà nhiều ý: “Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị
Lộ rồi băng”. Sử quan thế kỷ XIX, lại vẫn thói quen che đỡ quân